Tăng nguy cơ lây dịch bệnh
Trong ngày 8/12, Sở Y tế Hà Nội thông tin toàn thành phố ghi nhận 709 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số ca nhiễm trong cộng đồng là 243 ca, số ca dương tính phát hiện trong khu cách ly là 329, trong khu phong tỏa là 137. Đa số các trường hợp nhiễm virus đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, tại Hà Nội đang xảy ra hiện tượng người dân test nhanh dương tính tại nhà tự động tới viện xin nhập viện.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực khám sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn rất đông bệnh nhân test nhanh dương tính với Covid-19 tại nhà đã tới bệnh viện xin test PCR để xin nhập viện.
Trường hợp ông T.X.Ng (74 tuổi, nhà tại Lê Thanh Nghị, Hà Nội) đang đợi kết quả xét nghiệm tại khu vực khám sàng lọc cho biết, tại nhà ông có ho và đau họng nên có mua test nhanh về làm. Kết quả dương tính khiến cho ông Ng rất lo lắng vội vàng tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám khẳng định và mong muốn được nhập viện sớm.
Theo chia sẻ của ông Ng, ông tuổi cao lại có thêm bệnh lý nền cho nên nếu được điều trị sớm ông sẽ yên tâm hơn?
Khi được hỏi có kết quả test nhanh dương tính ông có gọi điện báo cho y tế cơ sở hay không? Ông Ng cho biết, do quá lo lắng không nghĩ được gì nên ông chưa kịp báo.
Khu khám sàng lọc Covid-19 - Ảnh Ngọc Minh.
BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp người dân tự test nhanh Covid-19 tại nhà có kết quả dương tính không thông báo với chính quyền địa phương, trung tâm y tế mà tự đi thẳng đến bệnh viện Thanh Nhàn.
Việc bệnh nhân tự di chuyển tới bệnh viện sẽ gây nguy hiểm về nguy cơ lây ra cộng đồng; lây chéo tại khu vực chờ đợi khám; Gây ra quá tải cho bệnh viện tại khu khám sàng lọc và các tầng điều trị (2, 3) của bệnh viện.
"Tại khu khám sàng lọc bệnh viện đã có phân luồng nhưng với mức độ ồ ạt kéo tới bệnh viện của bệnh nhân đã ảnh hưởng đến công tác phân luồng cũng như công tác chờ đợi kết quả PCR", bác sĩ Hường nói.
Theo bác sĩ Hương, số lượng bệnh nhân test nhanh dương tính tại nhà tự đến viện có ngày trên 20 ca. Trong đó, đa phần các bệnh nhân có test nhanh dương tính thì khi làm PCR 99% dương tính.
Các trường hợp bệnh nhân test nhanh dương tính khi có kết quả PCR khẳng định sẽ được bệnh viện phân tầng: Tầng 1 sẽ được sang khu tập trung; Tầng 2 và 3 là khu điều trị.
"Hiện tại, Thanh Nhàn thường tiếp nhận trên 100 thời điểm này là 120 bệnh nhân. Số bệnh nhân trở nặng khoảng 20-30 bệnh nhân, cá biệt có giai đoạn lên đến 40 bệnh nhân ở tầng 3- là tầng thở oxy hoặc can thiệp bằng thở máy.
Tuy nhiên những bệnh nhân trở nặng theo thống kê là các bệnh nhân chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin nhưng chưa đủ liều hoặc tiêm 2 mũi thời gian chưa đủ sinh ra kháng thể", bác sĩ Hường cung cấp thông tin.
Quá tải ở tầng 2
Bác sĩ Hường cũng cho biết thêm, thành phố và sở y tế giao cho bệnh viện có 300 giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 50 giường tầng 2 và 250 giường là tầng 3.
"Với mức độ phân tầng như giai đoạn hiện tại, chỉ tiêu phân cho bệnh viện 100 giường bệnh. Nhưng chúng tôi đang điều trị 120 bệnh nhân gấp 120% so với công suất yêu cầu.
Nếu các trường hợp test nhanh dương tính tại nhà tự ý đến bệnh viện, khi có kết PCR khẳng định chúng tôi sẽ phải tiếp nhận vào tầng 2. Điều này khiến cho tầng 2 đã quá tải lại càng tăng.
Ngoài ra, nếu nhận các bệnh nhân tầng 1 sẽ mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân tầng 3. Do số giường giảm đi, chúng tôi không thể nhận thêm bệnh nhân tầng 3 vào", bác sĩ Hương phân tích.
Việc người dân khi test nhanh Covid-19 tại nhà dương tính đến bệnh viện để được điều trị là tâm lý dễ thấu hiểu. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân ở tầng 1 có thể được điều trị tại nhà theo quy định của thành phố và Sở Y tế.
Bác sĩ Hường mong muốn Sở Y tế có đào tạo cán bộ ở cấp huyện, các trung tâm y tế phường phải biết phân tầng, giám sát các trường hợp có test nhanh dương tính.
Y tế các quận, huyện, phải tập huấn về kiến thức chuyên môn để cho người dân tin tưởng ở nhà theo dõi, điều trị.
Đối với người dân khi có kết quả test nhanh, việc đầu tiên là kết nối chặt chẽ với cán bộ y tế tại phường. Khi nào bệnh nhân chuyển nặng phải báo cáo ngay với nhân viên y tế.
"Trong quá trình theo dõi tại nhà người dân cần bình tĩnh, lắng nghe cơ thể, làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế như: đo nhiệt độ 2 lần/ngày, đo SPO2. Nếu có thấy khó thở phải báo ngay trung tâm y tế", bác sĩ Hường nói.
Theo Ngọc Minh
Doanh nghiệp và Tiếp thị