Trung bình mỗi ngày TP Hà Nội có từ 600-700 ca mắc COVID-19 mới, gần một tuần trở lại đây một số bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 quá tải, nhiều F0 bối rối khi có kết quả test nhanh dương tính.
Không biết nên làm gì
Anh BLT (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là F1 từ ngày 5-12 do ngồi cà phê cùng F0 trớc đó. Ngoài anh T. còn có 6 F1 khác được y tế phường đề nghị cách ly tại nhà.
Tuy đã sau gần 1 tuần cách ly, anh T. cùng các F1 khác vẫn chưa được y tế phường gọi ra làm xét nghiệm. Để đảm bảo an toàn cho gia đình, anh tự mua test nhanh về tự làm xét nghiệm. Ngày thứ 4 sau cách ly, anh T. test nhanh cho kết quả dương tính virus SARS-CoV-2.
“Tôi xem trên mạng thấy có Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị COVID-19 nên lái xe sang đây để làm xét nghiệm PCR. Bạn tôi cũng có 2 người test nhanh dương tính, họ cũng đến bệnh viện gần nhất để khám và làm xét nghiệm lại cho an tâm, đợi y tế phường lâu, sốt ruột lắm” – anh T nói.
Xét nghiệm COVID-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn
Mẹ con chị NTN (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tương tự, một tuần trở lại đây chị N và mẹ đều ho nhiều, mất vị giác. Nghĩ mình tiêm đủ 2 mũi và gần đây không đi đâu nên chị mua que test về tự test. Bất ngờ với kết quả dương tính, chị N. đưa mẹ đến viện thông báo và làm xét nghiệm PCR.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có ngày có đến 20 bệnh nhân tự làm xét nghiệm và đến đây làm PCR, đề nghị bệnh viện tiếp nhận. Tình trạng này phổ biến đã nửa tháng nay gây ra quá tải cho bệnh viện. Trong đó, đa phần bệnh nhân có test nhanh dương tính thì khi làm PCR cũng 99% dương tính.
Theo ghi nhận ngày 10-12 của phóng viên tại khu vực khám sàng lọc COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, rất đông bệnh nhân test nhanh dương tính đã tới bệnh viện xin test PCR để xin nhập viện.
Bệnh viện lúng túng
Theo BS Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng đơn nguyên điều trị COVID-19) Bệnh viện Thanh Nhàn, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân tự mua test nhanh, khi có kết quả dương tính không thông báo với chính quyền địa phương, trung tâm y tế mà tự đi thẳng đến Bệnh viện Thanh, việc này rất nguy hiểm.
Thứ nhất là bệnh nhân tự di chuyển, nguy cơ lây có người xung quanh cao. Thứ hai đến bệnh viện đông, chờ làm PCR hơn 8 tiếng gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện khi họ ngồi lại chờ làm khu tiếp nhận sàng lọc khó khăn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.
Theo như các bệnh nhân chia sẽ, do liên lạc với y tế địa phương khó nên họ mới đến bệnh viện. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thành phố Hà Nội và Sở y tế giao cho bệnh viện 300 giường điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, 250 giường ICU, 50 giường cho bệnh nhân mức độ trung bình.
"Với mức độ phân tầng như hiện tại, chỉ tiêu phân cho bệnh viện 100 giường bệnh, tuy nhiên chúng tôi đang điều trị 120 bệnh nhân, gấp 120% so với công suất yêu cầu. Nếu các trường hợp test nhanh dương tính tại nhà tự ý đến bệnh viện, khi có kết PCR khẳng định chúng tôi sẽ phải tiếp nhận vào tầng 2. Điều này khiến cho tầng 2 đã quá tải lại càng tăng. Bên cạnh đó, nếu nhận các bệnh nhân tầng 1 sẽ mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân tầng 3 do số giường giảm đi, chúng tôi không thể nhận thêm bệnh nhân vào tầng 3 " - BS Hương phân tích.
Lãnh đạo BV cũng khẳng định, việc bệnh nhân tự test nhanh dương tính rồi đi thẳng đến viện là trái quy định phân luồng, tiếp nhận F0 hiện hành tại Hà Nội. Theo quy trình, cơ sở y tế tuyến dưới tiếp nhận, phân loại F0, sau đó chuyển đến tầng điều trị phù hợp và còn khả năng tiếp nhận.
Không riêng Bệnh viện Thanh Nhàn, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Hà Đông mỗi ngày cũng ghi nhận vài trường hợp F0 tự đến bệnh viện đề nghị test PCR và muốn điều trị tại viện. Việc này làm đảo lộn quy trình, gây khó cho cả người bệnh lẫn bệnh viện.
Trong đợt dịch thứ 4 (tính từ 27-4 đến ngày 9-12) TP.Hà Nội ghi nhận 14.925 ca nhiễm, trong đó 5.443 ca cộng đồng. Trong một tuần gần đây, thành phố ghi nhận trung bình 630 ca mắc mỗi ngày, hiện đã có nhiều phường cho F0 điều trị tại nhà. |