Trường THPT Vĩnh Xương, tỉnh An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thầy Nguyễn Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - thẳng thắn nhìn nhận:
"Đọc bức thư tuyệt mệnh ai cũng có thể cảm nhận là học sinh đang hoảng loạn tâm lý. Cách hành xử của giáo viên chưa thuyết phục, càng không thuyết phục khi trường ra quyết định kỷ luật học sinh trước cờ.
Dù kỷ luật để răn đe học trò nhưng rõ ràng chưa làm trẻ tâm phục khẩu phục mới dẫn đến hành động như thế. Đúng như đã xác minh, sau sự việc phát hiện em tự tử bất thành, giáo viên viết trên Facebook là cách hành xử tệ, trái với sự dịu dàng, mẫu mực của một cô giáo, vi phạm văn hóa ứng xử nhà giáo.
Tôi nghĩ giáo viên, nhà trường phải thấy hết trách nhiệm của mình trước khi quá muộn, đừng để học sinh có hành động tiêu cực, để phụ huynh vào cuộc, thậm chí là luật pháp".
Còn cô Lê Thị Thanh Giang - hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) - cho rằng theo thông tư mới, không phê bình học sinh trước trường, dù rằng em có vi phạm kỷ luật và tùy từng trường, có những nội quy, cách xử lý khác nhau.
"Nhưng có điều cách giáo viên chủ nhiệm đăng thông tin trên mạng xã hội sau khi sự việc xảy ra là thật đáng trách. Nó vừa không hay và vừa không đúng với đạo đức nhà giáo, mặc dù học sinh có lỗi thật. Nếu học sinh viết thư tuyệt mệnh, mình nên thay đổi phương pháp giáo dục vì sinh mạng của học trò là trên hết.
Biết rằng để nhìn nhận vào lỗi của bản thân mình là khó chấp nhận, nên khi xử lý phải vừa lý vừa tình. Khi xảy ra chuyện, đường về của học sinh - giáo viên - trường lớp là không có, mối quan hệ sẽ bị sứt mẻ, không hàn gắn được" - cô Giang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm - một giáo viên Trường THPT Châu Thị Tế, TP.Châu Đốc, An Giang - cho rằng hiện nay có nhiều cách giáo dục chứ không nhất thiết phải nêu tên dưới cờ. Bởi các em học sinh bây giờ đã lớn, tâm sinh lý phát triển nên sẽ ngại với các bạn bè.
"Tôi cho rằng trong trường hợp này nên tìm hiểu kỹ vấn đề rồi phối hợp với gia đình giáo dục lại. Tôi không ủng hộ việc nêu tên các em. Nhiều đứa mắc cỡ với bạn bè sẽ tự kỹ nặng hơn và có thể bỏ học. Vì vậy, giáo dục có nhiều hướng động viên, cảm hóa hơn là hành động nêu tên như vậy" - vị này nói.
Nhìn nhận dưới một góc độ khác, thầy Lê Đỗ Huy - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (TP.Châu Đốc) - chưa biết Trường THPT Vĩnh Xương kỷ luật cấm túc học sinh 2 tuần nằm trong quy định nào.
"Hiện tại có thông tư 32 của bộ về điều lệ trường THPT có quy định khen thưởng và kỷ luật: khiển trách, thông báo cho cha me học sinh, tạm dừng học có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Còn thông tư 26 bổ sung mới đây cũng không có quy định nào là cấm túc. Tôi cho rằng nội quy của nhà trường đi chăng nữa thì phải nằm trong các quy định, thông tư của bộ chứ không thể vượt hơn được" - thầy Huy nói.
"Trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì em tự tử do nguyên nhân ở nhà trường chứ không phải ở gia đình. Tôi theo dõi và thấy vấn đề gây bức xúc ở chỗ, giáo viên không được phép đem học sinh ra phê bình trước tập thể.
Tuy nhiên sự việc đã xảy ra là một chuyện, hậu xử lý lại là chuyện khác, nhưng cô giáo đem học sinh ra viết trên mạng xã hội là chỉ trích học sinh và cho cả thế giới đều biết. Đó là hành vi sai nghiêm trọng, cần kiểm điểm nghiêm túc chứ không phải quyền cá nhân thì giáo viên thích "tự do" trên trang của mình.
Học sinh không được mang thầy cô lên mạng thì thầy cô cũng không được mang trò mình ra bình luận dù bóng gió hay trực tiếp, dù nói thẳng hay giấu tên. Nếu câu chuyện tích cực là chuyện khác, còn tiêu cực là vi phạm điều lệ nhà trường" - bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsoft, đánh giá.
TTO - Theo thầy giáo Nguyễn Duy Xuân, để dẫn đến những hệ lụy đau lòng như vừa xảy ra, Bộ trưởng bộ GDĐT là người chịu trách nhiệm đầu tiên bởi chưa bao giờ con em chúng ta lại phải chịu áp lực học hành nặng nề như trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Xem thêm: mth.6182036160210202-oaig-ahn-cud-oad-gnud-gnohk-ux-hnah-ut-ut-gnaig-na-hnis-un-uv/nv.ertiout