Giá tăng khoảng 25% chỉ sau 3 tuần qua
Theo đó, Argus báo giá quặng sắt (hàm lượng 62% sắt) nhập khẩu vào Trung Quốc (giao ngay tại miền Bắc nước này) hôm 8/12 là 108,60 USD/tấn, tăng mạnh so với chỉ 87 USD/tấn hôm 18/11 – thời điểm giá chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. SteelHome cũng báo giá loại quặng này ngày 9/12 là 109 USD/tấn, tăng 4,3% so với tuần trước.
Mặc dù giá hiện vẫn thấp hơn trên 53% so với mức cao kỷ lục 235,55 USD/tấn đạt được hôm 12/5 song đợt tăng gần đây cho thấy các nhà đầu tư tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua.
Tồn kho cũng tăng
Khối lượng và giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc.
Tồn trữ quặng sắt tại các cảng biển Trung Quốc cũng liên tục tăng trong những tuần gần đây, đạt 154,4 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 3 tháng 12, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome. Con số này tăng khá nhiều so với mức thấp nhất của năm 2021, là 123,95 triệu tấn chạm tới hồi cuối tháng 6, và trong lượng quặng tồn kho theo mô hình thời vụ xây dựng – tăng cao trước mùa đông miền Bắc và giảm dần vào mùa xây dựng, mùa hè, cần lưu ý rằng mức tồn trữ hiện tại là cao nhất ở cùng thời điểm này của các năm kể từ 2012 trở lại đây.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc đã tăng trong 10 tuần liên tiếp lên 155,5 triệu tấn trong tuần qua, cao nhất kể từ giữa năm 2018.
Theo hải quan, trong 11 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,04 tỷ tấn quặng sắt, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu cũng cho thấy xuất khẩu các sản phẩm thép của nước này trong tháng 11 ở mức 4,36 triệu tấn, giảm 3,1% so với tháng trước đó. Xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 lần lượt là 61,88 triệu tấn và 13,27 triệu tấn.
Nên vui hay buồn?
Điều đáng quan tâm là giá tăng gần đây liệu dựa trên hy vọng hay là thực tế nhiều hơn? Để giải đáp câu hỏi này cần bóc tách sâu các dữ liệu có liên quan.
Một trong những yếu tố thúc đẩy giá tăng là việc Hải quan Trung Quốc ngày 7/12 công bố dữ liệu cho thấy nhập khẩu quặng sắt vào nước này trong tháng 11 tăng 14,6% so với tháng 10 và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Nhìn bề ngoài, điều đó thực sự là một tin vui và báo hiệu về một đợt hồi phục nhu cầu quặng sắt.
Trung Quốc thường nhập khẩu khoảng 70% quặng sắt qua đường biển, và cũng chính thị trường này đang dẫn dắt xu hướng giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép này.
Dữ liệu cho thấy, nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới đã nhập khẩu 104,96 triệu tấn quặng trong tháng 11, tăng so với 91,61 triệu của tháng 10 và cũng tăng 6,9% so với tháng 11/2020. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Australia và Brazil - vượt xa kỳ vọng của thị trường trong bối cảnh giá quặng sắt hạ nhiệt và nhu cầu thép giảm.
Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến khối lượng nhập khẩu tháng 11 có vẻ không hẳn là tin vui. Đó là, nhập khẩu tăng vọt có thể do thời điểm mà Hải quan Trung Quốc làm thủ tục thông quan hàng hóa, nghĩa là thời điểm được xác định chính thức là nhập khẩu.
"Dữ liệu nhập khẩu tháng 11 có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố thông quan", Tang Binghua, nhà phân tích của công ty Founder CIFCO Futures ở Bắc Kinh, cho biết, và thêm rằng trên thực tế, lượt tàu chở quặng đến nước này không thay đổi đáng kể trong những tháng gần đây.
Dữ liệu chính thức trên cao hơn nhiều so với dữ liệu mà công ty tư vấn hàng hóa Kpler thống kê, theo đó Kpler cho biết quặng sắt nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc tháng 11 là 97,01 triệu tấn, thấp hơn gần 8 triệu tấn so với con số chính thức. Tuy nhiên, dữ liệu của Kpler về nhập khẩu trong tháng 10 lại lên tới 109,14 triệu tấn, cao hơn 17,5 triệu tấn so với số liệu của Hải quan Trung Quốc. Dữ liệu về các tháng trước đó cũng có sự khác biệt.
Đây không phải là một khoảng cách quá lớn, nhưng sự khác biệt về thời điểm hàng hóa được đánh giá là đã đến nơi có thể làm sai lệch bức tranh thị trường thực sự.
Ông Tang cho rằng rất khó có khả năng nhập khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao vì tiêu thụ yếu dần sau khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát sản lượng của các nhà máy thép trong cả mùa nóng và trước Thế vận hội mùa Đông.
Cũng liên quan đến lý do giá quặng sắt tăng và triển vọng giá có tăng bền vững hay không, một yếu tố khác cần xem xét liên quan tới quặng sắt nhập khẩu, đó là liệu có xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu của các nhà máy thép tăng lên, hay do các nhà kinh doanh dự đoán nhu cầu sẽ tăng trong năm tới, hay chỉ đơn thuần là các nhà kinh doanh tranh thủ tích trữ hàng khi thấy giá giảm sâu khỏi mức cao kỷ lục.
Chắc chắn, nhu cầu từ các nhà máy thép không tăng. Một số nhà máy vẫn đang cắt giảm sản xuất để đáp ứng các mục tiêu về ô nhiễm môi trường và vì thiếu điện.
"Tình trạng ở các kho dự trữ quặng sắt tại cảng biển Trung Quốc những tuần gần đây là tín hiệu cho thấy giá có thể sẽ giảm, và xu hướng tồn trữ tăng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong 2-3 tháng tới vì sản lượng quặng sắt xây dựng trong những tuần gần đây là một tín hiệu giảm giá và chúng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 2-3 tháng tới vì sản lượng gang không có khả năng tăng cho đến sau Thế vận hội mùa Đông (Bắc Kinh)", nhà kinh tế cấp cao của Westpac, Justin Smirk, nhận định.
Những dữ liệu trên cho thấy thị trường có lẽ đang nhận định nhu cầu thép sẽ hồi phục trong nửa đầu năm 2022, dựa trên kỳ vọng Bắc Kinh sẽ một lần nữa tung ra các chương trình kích thích để thúc đẩy kinh tế.
Nhận định đó không phải hoàn toàn không có cơ sở. Bằng chứng là, ngày 6/12 vừa qua, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng, là lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trong năm nay. Động thái này giúp giải phóng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (188 tỷ USD0 thanh khoản dài hạn.
Nhìn chung, có vẻ như giá quặng sắt đang phục hồi do kỳ vọng nhu cầu trong tương lai, và nhà đầu tư vì quá vui mừng nên bỏ qua các dấu hiệu hiện tại cho thấy có quá nhiều quặng sắt được đưa vào Trung Quốc.
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.17702538121211202-gnat-gnuc-urt-not-ihk-tov-gnat-tas-gnauq-aig-yl-hcihgn/nv.zibefac