Ngày 15-12, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên.
Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu chia sẻ, trao đổi các nghiên cứu của mình về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng như các chính sách, quy định pháp luật trong nước về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, đánh giá những hạn chế, bất cập, tìm ra những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về nội dung này. Từ đó tăng cường hiệu quả trong công tác ứng phó BĐKH trong nước trên cơ sở phù hợp, với các cam kết quốc tế và xu hướng chung trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Trình bày vấn đề liên quan đến quy định pháp luật môi trường về thị trường carbon và những thách thức khi triển khai tại Việt Nam, TS Võ Trung Tín, Trưởng Bộ môn Luật đất đai - Môi trường (Đại học Luật TP.HCM), đánh giá thị trường carbon đóng vai trò quan trọng trong việc làm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng đến cuộc cách mạng trong tương lai. Tại Việt Nam, thị trường này khá mới mẻ. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Bảo vệ môi trường 2020 so với Luật Bảo vệ môi trường 2014 là chế định xây dựng và phát triển thị trường carbon với vai trò là một công cụ kinh tế.
“Chúng tôi cho rằng quy định về thị trường carbon trong nước là bước đột phá trong pháp luật môi trường Việt Nam. Nếu triển khai thực hiện có hiệu quả, các lợi ích kinh tế, xã hội từ thị trường carbon thu về rất lớn và rất tiềm năng đối với Việt Nam”- TS Võ Trung Tín chia sẻ.
Một trong những vấn đề được hội thảo quan tâm là thuế carbon và vai trò của thuế carbon trong việc giúp làm giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường.
Th.S Nguyễn Thị Thu Hiền, khoa Luật thương mại, trường Đại học luật TP.HCM chia sẻ: Thuế carbon là một loại thuế được áp dụng với lượng khí carbon phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí carbon dioxide (CO2). Đây là một trong những tác nhân gây ra hiện tượng nóng lên của trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu đánh giá của các tổ chức quốc tế như Tổ chức và phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng đánh thuế carbon là một giải pháp hiệu quả để giảm lượng phát thải khí CO2. Đồng thời, góp phần tạo ra nguồn thu ngân sách nhà nước để đầu tư trở lại cho việc bảo vệ môi trường, khuyến khích tăng trưởng xanh.
“Thuế carbon là một công cụ kinh tế tuần hoàn mới mẻ ở Việt Nam, còn khá xa lạ với người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc áp dụng thuế carbon ở nước ta cần có lộ trình cụ thể, đồng thời phải nhanh chóng hoàn thiện pháp luật tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thực hiện hóa thuế carbon”- Th.S Nguyễn Thị Thu Hiền nêu quan điểm.
Cũng tại Hội thảo, các nội dung liên quan chính sách, pháp luật Việt Nam ứng phó với BĐKH; giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải…cũng được các chuyên gia, giảng viên và sinh viên quan tâm thảo luận.