Kết quả của việc làm đó là sự khác biệt lớn trên thị trường tài chính. Chứng khoán Trung Quốc đang thấp chưa từng có so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu. Trái phiếu bằng đồng USD của Trung Quốc đang có lợi suất cao. Trong khi cơn sốt bất động sản bùng lên khắp nơi, từ Mỹ, Anh, Australia… thì giá nhà ở Trung Quốc lại giảm mạnh trong 4 tháng qua.
Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến phố Wall lo ngại. Việc các tài sản ở Trung Quốc đang có giá rẻ và Ngân hàng Trung ương nước này chuẩn bị thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa có thể tạo ra cú bùng nổ với thị trường tài chính nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong vài tháng qua, Goldman Sachs Group Inc., BlackRock Inc., UBS Group AG và HSBC Holdings Plc đều đã tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc. Marko Kolanovic của JPMorgan Chase & Co. thì cho biết sẽ tập trung vào hoạt động ở Trung Quốc và dự đoán MSCI Trung Quốc có thể tăng 40%.
Một năm sóng gió với chứng khoán Trung Quốc khi bị thế giới bỏ xa.
"Lịch sử dạy chúng ta rằng đây thường là giai đoạn mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn nhất. Sau một thời kỳ thắt chặt, sẽ có một dư địa đáng kể để nới lỏng chính sách. Đó rõ ràng là một giai đoạn đầy biến động nhưng chúng ta từng thấy trong quá khứ và rất có thể chúng sẽ lặp lại", Dale Nicholls, chuyên gia về các tình huống chiến lược đặc biệt của Trung Quốc tại Fidelity International Ltd, cho biết.
Triển vọng tăng giá được xây dựng dựa trên kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ có động thái để hỗ trợ nền kinh tế vào năm 2022 nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp quản lý, vốn đang làm giảm giá trị tài sản ở nước này.
Hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã củng cố cho quan điểm này với việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, đồng nghĩa với bơm thêm tiền ra thị trường. Có những đồn đoán cho rằng PBoC sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 trong tuần sau.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những hy vọng. Không thể phủ nhận 1 thực tế là các chính sách của Trung Quốc rất "khó đoán" với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó khiến họ trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Siết chặt quản lý trong lĩnh vực công nghệ hay các doanh nghiệp Trung Quốc bị yêu cầu hủy niêm yết tại nước ngoài là những ví dụ không thể trực quan hơn.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp. Hôm 15/12, cổ phiếu công ty công nghệ sinh học Trung Quốc đã lao dốc sau khi Financial Times cho biết Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch cấm một số công ty trong ngành này sử dụng công nghệ Mỹ.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn sau vụ vỡ nợ của 2 tập đoàn bất đống ản Evergrande và Kaisa. Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy giá nhà ở Trung Quốc giảm mạnh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế cũng như các nhà đầu tư.
Bất động sản đang chiếm một tỷ trọng vô cùng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, tương đương khoảng 20% GDP. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản đang thực sự rất nghiêm trọng khi có 521 triệu m2 nhà tồn kho. Chỉ riêng trong tháng 11, nhà ở thương mại mới xây tại 100 thành phố ở Trung Quốc là 44,95 triệu m2, nhưng lượng giao dịch chỉ đạt 34,37 triệu m2.
Cuối cùng, nỗi ám ảnh về "tiền nóng" và sự cảnh giác cao độ của Bắc Kinh với bong bóng có thể cũng gây hạn chế đối với các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa. Trong khi cổ phiếu Trung Quốc và trái phiếu USD ở nước ngoài tiếp tục lao dốc, các nhà đầu tư ngoại liên tiếp đổ xô vào trái phiếu Chính phủ Trung Quốc. Những dòng tiền này đang nâng đỡ đồng tệ, khiến nó mạnh nhất kể từ năm 2015 so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại.
Đồng tệ đang mạnh nhất kể từ năm 2015.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuần trước đã hành động để hạn chế sự tăng giá của đồng tệ, buộc các ngân hàng phải dự trữ ngoại hối nhiều hơn.
Tuy nhiên, đặt cược vào một bộ phận của thị trường Trung Quốc lại là chiến lược thành công trong nhiều năm. Ở đỉnh vào tháng 10/2020, cổ phiếu Alibaba tăng 366% so với phiên IPO năm 2014 tại New York. Nó tăng gấp đôi so với Nasdaq 100. Tuy nhiên, kể từ đó, cổ phiếu đã giảm 60% và mất khoảng 515 tỷ USD giá trị vốn hóa.
Thực tế, trong một thế giới đang bị chi phối bởi lo ngại rằng các tài sản đã tăng quá nóng và các ngân hàng trung ương đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình taper, triển vọng phục hồi đáng kể trên thị trường tài chính Trung Quốc vẫn là quá tốt đối với nhiều nhà phân tích. P/E của MSCI Trung Quốc chỉ là 12,2 lần, bằng với P/E của S&P 500 vào năm 2005.
"Bạn có thể thấy rằng thị trường đang cố gắng tạo đáy. Nếu có sự cảm thiện về mặt chính sách hay những tác động tích cực, tôi nghĩ chúng ta có thể đã chạm đáy", Wendy Liu, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Trung Quốc tại JPMorgan nói với Bloomberg Television.