Các bị cáo bị đưa ra xét xử là Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô), Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Trường Đại học Đông Đô), Lê Ngọc Hà (nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện 4.0, Trưởng ban in bằng Trường Đại học Đông Đô), Trần Ngọc Quang (nguyên Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Trường Đại học Đông Đô).
Tiếp đến là Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng phòng Tài vụ, Trường Đại học Đông Đô); Phạm Vân Thùy, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển (nguyên nhân viên Viện Đào tạo liên tục); Lê Thị Thanh Tâm, Lê Thị Lương (nguyên nhân viên Viện 4.0).
Tất cả 10 bị cáo cùng bị truy tố về tội "Giả mạo trong công tác", theo Điều 359, Bộ luật Hình sự. Trong đó, Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển bị truy tố theo điểm c, khoản 2, Điều 359; các bị cáo còn lại bị xét xử theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 359.
Có 24 luật sư bào chữa cho 10 bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho Trường Đại học Đông Đô. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã triệu tập 30 người liên quan, 200 người làm chứng (những người mua và sử dụng bằng giả), đại diện Trường Đại học Đông Đô và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, tại phần thủ tục phiên tòa cho thấy, trong số 200 người được triệu tập với tư cách nhân chứng thì chỉ có vài người có mặt, phần lớn có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt không có lý do. Đối với những người có mặt tại phiên tòa trong số 200 người được triệu tập, chủ tọa phiên tòa Phạm Năng Thành thông báo, họ được thay đổi tư cách tham gia tố tụng, từ người làm chứng sang người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do đã nộp tiền và được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng giả.
Tại phiên tòa, Dương Văn Hòa - cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi vi phạm của mình là đúng, không oan. Bị cáo Dương Văn Hòa cho biết chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh có từ cuối năm 2017 do Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn) là Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định. Hùng không họp hội đồng quản trị và ban lãnh đạo trường mà trực tiếp chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện. Việc đào tạo này là không hợp pháp, không đúng quy trình đào tạo, chưa được Bộ GD&ĐT đồng ý cấp phép.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Đại học Đông Đô đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!