Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin trên được bà Phạm Thị Hồng Yến, ủy viên thường trực của ủy ban này cho biết tại cuộc họp báo chiều 30/12.
Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội có 5 giải pháp chính, gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ đầu tư công và phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
"Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cơ bản bao quát được toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó xác định ưu tiên cho y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp đều được chú trọng tính hiệu quả, lan tỏa và phù hợp với bối cảnh tình hình mới", bà Yến nói.
Theo đại diện cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết cần đáp ứng các quan điểm quan trọng như bám sát chủ trương định hướng của Đảng, tập trung tăng cường cho tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên cho tổng cung. Gói chính sách tài khóa và tiền tệ phải đáp ứng quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm, giải quyết được vấn đề cấp bách và tránh lãng phí nguồn lực. Các chương trình và giải pháp sẽ thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023.
Về lo ngại chính sách tài khóa, tiền tệ khi phục hồi kinh tế sẽ làm tăng nợ công và bội chi, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói: "Chắc chắn khi ta sử dụng gói kích thích, bơm thêm tiền vào nền kinh tế, có thể tăng bội chi, nợ công, nhưng cần tính toán ở mức độ nhất định, gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kích thích tăng trưởng và giữ ổn định cân đối vĩ mô", ông Toàn nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, gói tài chính tiền tệ hết sức quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Nếu gói này được thông qua ở những ngày đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022- 023 và cả nhiệm kỳ.
"Nếu để lại đến kỳ họp tháng 5 thì sẽ chậm đi 5 tháng mới quyết định được. Trong khi đó, có những việc quyết muộn 1 ngày đã khác, chưa nói đến 4-5 tháng", ông Cường nói.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho hay, về nguyên tắc, Đảng đoàn Quốc hội đã đề nghị và Ban cán sự Đảng Chính phủ thống nhất sẽ báo cáo về biến chủng Omicron và các giải pháp, đồng thời cũng sẽ có báo cáo liên quan đến việc mua sắm các trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 4/1/2022 và bế mạc vào ngày 11/1/2022. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu các tỉnh, thành. Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp). Ba dự án luật là Sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Ba dự thảo nghị quyết gồm Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.