Phiên giao dịch chứng khoán ngày 31.12.2021 đã khép lại với VN-Index tăng hơn 12 điểm, đưa chỉ số lên mức trên 1.498 điểm, vẫn chưa trở lại được đỉnh lịch sử 1.500 điểm đã đạt được trước đó.
Trong phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), chỉ số đã được kéo lên. Tuy nhiên, có lẽ cũng là điều tiếc nuối cuối cùng của phiên giao dịch cuối năm này là VN-Index đã không tăng như kỳ vọng.
Song dù sao, với điểm số kết năm trên 1.498 điểm, VN-Index cũng đã tăng hơn 394 điểm trong năm 2021, tương ứng mức tăng hơn 35,7%. Đây là mức tăng cao so với các thị trường trong khu vực Châu Á - Thái bình Dương.
Với mức tăng này, nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam với VN-Index đã mang lại không ít lợi nhuận cho các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán, các nhân viên môi giới.
Cùng với đó, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2021, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam trên 3 sàn HoSE, HNX và UpCom lần đầu tiên vượt qua GDP quốc gia. Riêng sàn HoSE, tính đến phiên giao dịch ngày 30.12.2021, giá trị vốn hóa đạt 5.790.152 tỉ đồng, tăng hơn so với thời điểm kết phiên giao dịch ngày 31.12.2020 là 1.709.395 tỉ đồng.
Năm 2021 ghi dấu ấn lịch sử trong việc gia tăng tài khoản chứng khoán mở mới. Tháng 11.2021, tổng số tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 221.000 tài khoản (chưa có số liệu thống kê của tháng 12). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tổng cộng hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, vượt qua tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm từ 2017-2020 cộng dồn lại (hơn 1 triệu tài khoản) và giúp đưa tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam vượt ngưỡng 4 triệu đồng.
Tài khoản chứng khoán tăng như một lẽ tất yếu tác động đến giao dịch tăng, từ đó kéo thanh khoản bùng nổ. Trong năm 2021, thanh khoản là một dấu ấn cực kỳ ấn tượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ mức thanh khoản chỉ khoảng từ 10.000-12.000 tỉ đồng mỗi phiên trên sàn HoSE vào tháng cuối năm 2020, năm 2021 cũng chính trên sàn này thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tháng cuối năm tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 12.2021, sàn HoSE liên tục chứng kiến các kỷ lục về thanh khoản, từ phiên kỷ lục thanh khoản hơn 44.800 tỉ đồng của phiên giao dịch ngày 19.11 đã tiến đến mức thanh khoản hơn 45.560 tỉ đồng trong phiên giao dịch ngày 23.12.
Chính nhờ thế, khối ngoại mặc dù liên tục bán ròng trong nhiều tháng với tổng giá trị lên đến 2,7 tỉ USD nhưng cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nói chung. Thị trường chủ yếu vẫn là “cuộc chơi” của nhà đầu tư trong nước với dòng tiền mạnh mẽ luôn sẵn sàng.
Tất nhiên, để có được sự sẵn sàng của dòng tiền cũng nhờ có được sự đóng góp lớn của lượng vốn vay margin được cung cấp từ các công ty chứng khoán. Theo thống kê, tính đến hết quý III/2021, tổng số tiền các công ty chứng khoán cho vay margin vượt mức 144.000 tỉ đồng. Hàng chục công ty chứng khoán đã hoàn tất việc tăng vốn trong năm 2021 và sẽ tiếp tục hoàn tất việc tăng vốn trong những tháng đầu năm 2022.
Với rất nhiều điểm sáng được xem là “sắc xanh” của thị trường chứng khoán năm 2021 kể trên, đã làm loãng đi điểm tiêu cực lớn nhất trong năm của ngành chính là tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên sàn HoSE vốn đã gây bức xúc dư luận trong nửa đầu năm 2021.
Xem thêm: odl.414099-cuc-ueit-ot-uey-gnaol-ahp-cuc-hcit-hnax-cas-gnuhn-1202-man-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal