Các đại biểu tham dự hội thảo "Thúc đẩy dự án đường vành đai 3 - động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong ba giờ diễn ra hội thảo Thúc đẩy dự án đường vành đai 3 - động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do báo Tuổi Trẻ và Công thông tin điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức chiều 2-12, đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra những động lực và cơ hội mà dự án này mang lại cho TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Tác động tích cực đến hơn 30 đô thị
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Thái, cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), khẳng định đường vành đai 3 giúp thay đổi cơ bản tư duy về không gian kinh tế.
Thời gian qua các đô thị trong vùng hướng về TP.HCM đều bị ùn tắc hướng giao thông từ Bình Dương ra biển, từ miền Tây lên cảng Cái Mép... Đường bộ, đường thủy và đường hàng không đều khó khăn. Đường vành đai 3 sẽ giải quyết được mối ùn tắc đó.
Tuy nhiên, theo ông Thái, các địa phương trong vùng cần phải có quy hoạch từ sớm và phải đồng bộ hệ thống quy hoạch từ cấp vùng đến cấp tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn, phải chú ý đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội đầy đủ để bảo đảm đời sống an sinh cho con người.
"Mong các địa phương quan tâm đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị để việc phát triển không gian kinh tế được rõ ràng và quy củ", ông Thái nhấn mạnh.
Ông Lê Đỗ Mười, viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, cho biết năm quy hoạch giao thông quốc gia được phê duyệt đồng bộ nên tính kết nối các dự án giao thông rất cao.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chắc chắn sẽ hoàn thành đúng tiến độ để khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 vào năm 2026. Do đó các địa phương đang lập quy hoạch tỉnh nên lấy đường vành đai 3, đường vành đai 4 và các trục cao tốc xuyên tâm làm trục động lực để kết nối đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, đường vành đai 3 không chỉ tác động đến các tỉnh thành nó đi qua mà làm thay đổi cả tám tỉnh trong vùng, ảnh hưởng đến hơn 30 đô thị mới và cũ, tác động lên mạng lưới giao thông và cả thị trường bất động sản, nhà ở.
Các địa phương phải xác định những trọng tâm để phát triển đô thị vì phải giải quyết nơi ở cho 30 triệu dân (đến 80% là dân đô thị) trong tương lai.
Bên lề hội thảo, ông Trần Thiện Trúc, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, cho biết địa phương này đang điều chỉnh quy hoạch để tận dụng hiệu quả tuyến đường vành đai 3 nhằm phát triển đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn.
Các khu đất sau khi điều chỉnh quy hoạch sẽ được đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Địa phương cũng đang chủ động lên kế hoạch làm các tuyến đường kết nối với đường vành đai để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Bôn, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, cho hay địa phương này đã bổ sung quy hoạch đoạn đường tiếp nối đường vành đai 3 kết nối từ cao tốc Bến Lức - Long Thành xuống Khu công nghiệp Ông Kèo.
Khi đường vành đai 3 hình thành, Đồng Nai sẽ bổ sung các tuyến đường như đường 25B, 25C kết nối thẳng vào sân bay Long Thành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1), thuộc đường vành đai 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các cơ chế, chính sách mới
Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá đường vành đai 3 còn là dự án quan trọng cho việc phát triển thể chế.
"Lần đầu tiên, một dự án liên kết bốn tỉnh trong vùng do các địa phương tự điều phối mà không cần cơ quan trung ương. Dự án thành công sẽ mở ra khả năng tư duy về thiết kế thể chế liên kết vùng - việc hiện nay chưa thực hiện được", ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng với việc chia dự án đường vành đai 3 TP.HCM thành tám dự án thành phần, làm thủ tục, thẩm định, phê duyệt tám lần (thay vì chỉ giao cho TP.HCM đảm nhận) sẽ khó có thể làm nhanh dự án. Nếu tất cả thủ tục dự án thẩm định bởi TP.HCM, sau đó cùng các tỉnh triển khai sẽ giảm được rất nhiều thời gian và chi phí.
Cũng theo ông Dũng, cần căn cứ loại đất, vị trí đất để tính giá bồi thường đất đầy đủ, bảo đảm quyền lợi người dân, tổ chức tái định cư tại chỗ, điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất các khu vực mới bị giải tỏa để người dân được xây lại nhà. Như vậy sẽ sớm được người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng.
"Đường vành đai 3 đem lại lợi ích lớn, địa tô bất động sản, nhà ở, công nghiệp tăng lên sẽ làm tăng nguồn thu từ thuế của các địa phương. Vì vậy, cần cơ chế sử dụng ngân sách, vận hành nguồn thu để lợi ích chung được bảo đảm", ông Dũng đề xuất.
Theo TS Bùi Xuân Thành (Đại học Fulbright), thách thức của dự án đường vành đai 3 nằm ở câu chuyện thực thi. Các địa phương đối mặt với bốn loại thách thức:
Thứ nhất là khi dự án đã hội đủ các yếu tố thuận lợi như vốn, cơ chế và năng lực thực thi của các doanh nghiệp thì áp lực xã hội đặt lên vai của các lãnh đạo địa phương.
Thứ hai, các địa phương phải đồng thời quy hoạch, làm các tuyến đường vành đai khác và đường cao tốc xuyên tâm để kết nối và khai thác hiệu quả.
Thứ ba là gắn làm đường với phát triển đô thị: phải tính toán để hài hòa các lợi ích, trong đó ưu tiên lợi ích giao thông sau đó mới đến lợi ích về bất động sản. Nếu thu hồi được những khu đất vùng phụ cận để bán đấu giá cho nhà đầu tư phát triển dự án sẽ tránh được phát triển đô thị tự phát, tránh được hiện tượng đường chạy đến đâu nhà cửa "mọc" theo san sát đến đó.
Thứ tư là các địa phương có thể xin áp dụng cơ chế đặc thù của đường vành đai 3 cho các dự án hạ tầng kết nối với tuyến đường này. Nếu có hiệu quả có thể đề xuất luật hóa nhằm áp dụng cho cả vùng, cả nước.
Dự án đang "chạy" đúng tiến độ
Công nhân vận chuyển cột mốc để đánh dấu giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 đoạn qua phường Long Trường, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Phan Công Bằng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đầu tuần sau cơ quan này sẽ trình UBND TP phê duyệt dự án đầu tư hai dự án thành phần xây lắp và giải phóng mặt bằng. TP đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm giải phóng mặt bằng sớm hơn kế hoạch, đảm bảo tiến độ khởi công.
"Dự án sẽ lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm; xây dựng cơ chế thưởng phạt theo định hướng của Bộ GTVT và sẵn sàng loại bỏ nhà thầu thi công chậm", ông Bằng cho hay.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Bôn - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, địa phương đã giao ranh và cắm mốc hơn 80%, 20% còn lại là ở các vị trí nút giao phức tạp. Báo cáo hồ sơ khả thi hiện đã được trình Bộ GTVT thẩm định.
Ông Trần Thiện Trúc, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho hay địa phương này đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT thẩm định. Dự kiến ngày 10-12, UBND tỉnh Long An sẽ phê duyệt dự án đầu tư để triển khai các bước tiếp theo. Dự án đi qua địa phương dài 6,8km sẽ khởi công trước tháng 6-2023.
* Ông Bùi Xuân Cường (phó chủ tịch UBND TP.HCM):
Nhiều bài học kinh nghiệm từ dự án
Dự án đường vành đai 3 mang lại động lực mới để phát triển cho các địa phương, trước mắt là mở rộng không gian phát triển đô thị. TP.HCM đã điều chỉnh 27 đồ án quy hoạch qua ba huyện và TP Thủ Đức cho phù hợp với dự án này.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn tập trung các cơ chế để khai thác quỹ đất hiệu quả, điều chỉnh phát triển về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, bảo đảm quốc phòng an ninh...
TP cũng lưu ý phát triển mạng lưới giao thông tổng thể với các tuyến đường như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Thực hiện dự án này, TP.HCM sẽ có nhiều bài học, kinh nghiệm từ thể chế: bốn tỉnh thành có điều phối với nhau để làm đường vành đai 3, sự kết hợp giữa trung ương và địa phương. Đây là những bài học quý để phát triển những dự án khác. TP.HCM xác định thực hiện dự án đường vành đai 3 là công việc ưu tiên mang tính quan trọng đột phá.
Đường vành đai 3 là công trình kiểu mẫu trong quá trình quản lý điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý dự án. Đây cũng là dự án kiểu mẫu trong giải phóng mặt bằng tái định cư, nhưng kinh nghiệm về sự kết hợp giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, các cơ quan thông tấn báo chí...
* Ông Nguyễn Hồng Sâm (tổng giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ):
Khâu đột phá chiến lược
Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược được xác định trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây.
Trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 470.000 tỉ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp ba lần so với nhiệm kỳ trước. Thủ tướng cũng liên tục có các chuyến thị sát, khảo sát thực địa, kiểm tra, thúc đẩy, động viên triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược.
* Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):
Cần đảm bảo tiến độ dự án
Để khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển đóng góp vào tăng trưởng của cả nước, vấn đề cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Do vậy, cần có các giải pháp để đường vành đai 3 TP.HCM được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, tạo ra hình mẫu trong vấn đề giải phóng mặt bằng - an cư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cần làm gì để khai thác hiệu quả đường vành đai 3 TP.HCM trong việc kết nối với hệ thống giao thông, kết nối các đô thị, các khu công nghiệp, các cảng biển, các khu dân cư... để gia tăng giá trị kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực, biến khu vực Đông Nam Bộ thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới?
TTO - TS Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) - nêu một trong những kinh nghiệm phát triển đường vành đai trên thế giới cần được áp dụng cho việc làm vành đai 3 TP.HCM.
Xem thêm: mth.62654708030212202-iom-neirt-tahp-naig-gnohk-ar-om-es-3-iad-hnav-gnoud/nv.ertiout