Phượt thủ - tác giả Trần Đặng Đăng Khoa trên cao tốc Eyre Highway băng ngang nước Úc - Ảnh: NVCC
Mong cuốn sách thắp lên tình yêu du lịch
* Trước khi quyển sách 1111: Nhật ký sáu vạn dặm hình thành, bản thảo đầu tiên của anh là một tập nhật ký dài 1 triệu từ. Làm thế nào để anh giữ được thói quen ghi lại mọi điều mình thấy, mình nghe, mình làm một cách chi tiết như vậy trong hơn 1.000 ngày?
- Có lẽ tôi đã cố gắng ghi lại mọi thứ vì cảm thấy mình sẽ rất nuối tiếc nếu mình quên đi những chi tiết đó. Đến ba tôi cũng hỏi: "Sao thấy cái gì cũng chụp lại, ghi lại vậy?", mua đôi giày mới hay sơn lại bức tường cũng chụp.
Hẳn vì tôi sợ rằng mình sẽ bỏ quên mất một gương mặt hay trong chuyến đi, quên mất tên thị trấn đó, quên tên món ăn đó, mặc dù rõ ràng ngay cả khi mình ghi lại, mình cũng chẳng thể nào nhớ hết được.
* Có một thời gian, trào lưu sách du ký ở Việt Nam rộ lên nhưng rồi cũng bão hòa. Anh nghĩ vì sao cuốn sách của mình lại được đón nhận nhiều đến thế?
- Tôi cũng rất cảm động vì không ngờ có nhiều người chờ mong cuốn sách của mình. Có cả độc giả kể rằng khi tôi bắt đầu lên đường, bạn mới học xong THPT, giờ thì bạn đã ra trường đi làm rồi mới được cầm trên tay cuốn sách mà tôi hứa hẹn.
Tôi không nghĩ cuốn sách của mình là cuốn hay nhất, có thể nó được đón nhận bởi chuyến đi này là một chuyến đi liên tục, đi một cách hơi cực đoan, không phải đi rồi về, đi ngắt quãng hay di chuyển bằng máy bay.
Tất nhiên cũng có những người phản biện, không tin rằng tôi đã đi như thế, nhưng tôi không bận tâm.
Tôi chỉ mong cuốn sách thắp lên tình yêu du lịch, chẳng hạn như mấy ai quan tâm một thành phố bé tí như thủ đô Tbilisi của Georgia đâu, nhưng có độc giả bảo tôi rằng khi đọc xong sách, bạn cũng đi tìm hiểu nơi vùng đất ấy.
* Một trong những hình ảnh đẹp nhất trong cuốn sách này là hình ảnh khi anh đang lái xe trong mưa ở châu Phi và rồi tình cờ thấy một đàn ngựa vằn lang thang, một hình ảnh vừa buồn mà cũng đẹp, cô đơn mà cũng tự do. Đó phải chăng cũng là những cảm xúc của anh về hành trình đã qua?
- Vâng, lúc ấy tôi nghĩ mình cũng như một con ngựa vằn, giao phó mình cho cuộc đời và không còn quan tâm đến những điều không đáng kể nữa.
Mà lạ thế, ba năm đi tôi lại ngủ rất ngon, dù có chuyện gì, dù đọc tin tức gì, dù mối quan hệ nào đổ vỡ, dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu thì mình vẫn thấy thư thái.
Đến khi về lại vòng an toàn với toàn người thân quen, nơi mình muốn làm gì cũng không phải tra cứu, thì mình lại trở về với hàng ngàn suy nghĩ rối rắm trong cuộc sống.
Đi vòng quanh Trái đất rồi lại vẫn ở trên Trái đất
* Đọc về hành trình của anh, tôi nhớ đến cấu trúc "hành trình người hùng" mà Joseph Campbell rút ra trong rất nhiều tác phẩm văn chương từ cổ chí kim. Đó là câu chuyện về một người bình thường, bước ra khỏi thế giới quen thuộc, lao vào hiểm nguy và cuối cùng được thụ giáo một tri thức đặc biệt, họ quay về và trở thành một phiên bản cao hơn của chính mình. Anh nghĩ trong hành trình của anh, đâu là giây phút anh được "thụ giáo" một tri thức đặc biệt?
- Thực sự đây chỉ là một hành trình tôi làm cho bản thân tôi, nên tôi nghĩ mình cũng chẳng phải là người hùng.
Đôi khi tôi cũng nghĩ đến câu chuyện về Đường Tam Tạng đi Tây Thiên. Vì hành trình của mình, tôi cũng được thấy những nước giàu, nước nghèo, mỗi người mình gặp lại có một nỗi đau, một lý tưởng, một định nghĩa về hạnh phúc. Nhưng sau rốt thì ai cũng luẩn quẩn trong sinh lão bệnh tử, mới gặp nay, mai đã không còn.
Và rồi cuối cùng đi một vòng quanh Trái đất thì thế nào? Thì cũng vẫn ở trên Trái đất thôi, một hành tinh lạc lõng loay hoay vài tỉ năm rồi cũng tan biến. Mình đi rồi nhận ra mình chẳng là ai cả, mình chỉ làm việc mình phải làm.
Tôi yêu phiêu lưu, nhưng lại thuộc về thế hệ quá muộn để khám phá Trái đất, mà còn quá sớm để khám phá vũ trụ. Cho nên con đường phiêu lưu duy nhất là phiêu lưu vào chính bản thân mình.
Tuy gọi là khám phá thế giới, nhưng thực ra là hành trình xem những gì mình cho là đúng thì nó có đúng nữa không, hay đơn giản là mình yêu điều gì.
* Vậy thì trong số các vùng đất đã đi qua, đâu là nơi mà anh muốn quay lại nhất?
- Chắc là Nam Mỹ thôi. Dù cách Việt Nam nửa vòng Trái đất và thuộc hai bán cầu khác nhau, nhưng họ rất giống Việt Nam về suy nghĩ, cứ miễn sao cuộc sống còn bạn bè, còn người thân, còn được hát ca, tụ tập, là thấy vui rồi.
Hoặc là ở nơi nào lạnh như Greenland hay phía Nam New Zealand. Tôi vẫn hay nói đùa rằng có lẽ kiếp trước mình là con gấu Bắc Cực hay chim cánh cụt, cứ ở nơi nào lạnh thì ăn gì cũng ngon hơn, nghe nhạc cũng hay hơn, chỉ ngắm tuyết rơi cũng thấy hạnh phúc, hay đi xúc tuyết giùm bạn cũng thấy đó là công việc tuyệt vời.
* Chuyến đi của anh đã phải dừng lại đột ngột vì đại dịch COVID-19. Anh có kế hoạch gì sắp tới để hoàn thành những cung đường của mình?
- Năm nay tôi đã đi được đủ 50 tiểu bang nước Mỹ. Năm sau, tôi hy vọng có thể thành người Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng ô tô. Cung đường đầu tiên sẽ từ Việt Nam qua Úc, New Zealand, rồi vòng qua phía Đông của Nam Mỹ, rồi qua Trung Mỹ, rồi đi Tây Phi và đi về bằng đường Trung Á - một thiên đường cho người ưa mạo hiểm.
Tôi cũng hy vọng có dịp đi xuyên Nhật Bản một lần. Dự định nói chung là như thế: đi những đường mình chưa đi, đi những cung đường còn dang dở.
Cuốn du ký "1111: Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng" của Trần Đặng Đăng Khoa đã tái bản lần thứ 3 - Ảnh: TRẦN MẶC
Cuốn sách 1111: Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng (NXB Trẻ) là hồi ký về hành trình dài hơn 3 năm, băng qua đủ 7 châu lục và 65 quốc gia của Trần Đặng Đăng Khoa trên chiếc xe máy cũ đã gắn bó với anh cả chục năm. Toàn bộ số tiền nhuận bút mà anh nhận được từ sách sẽ được gửi tới một số quỹ từ thiện.
TTO - Với hành trình 1.111 ngày, Trần Đặng Đăng Khoa không chỉ là người Việt Nam đầu tiên dám vòng quanh thế giới bằng xe máy, mà còn là một trong những người truyền cảm hứng rộng rãi đến đông đảo độc giả.
Xem thêm: mth.18233049040212202-hnim-ar-nahn-ed-uul-ueihp-yagn-1111-aohk-gnad-gnad-nart/nv.ertiout