Tất cả chi phí từ tiền khách sạn đến đồ uống như Coca-cola đều tăng đáng kể. Một trong những nguyên nhân là tỷ giá của đồng riyal của Qatar gắn liền với sự lên xuống của đô la Mỹ (USD tăng cao trong tháng 10). Và biến động tiền tệ toàn cầu đang vượt mức trung bình được đặt ra năm 2016, do Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất và ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Theo dữ liệu, riyal - đơn vị tiền tệ của Ả rập Xê út đã tăng 9% so với đồng won Hàn Quốc. Nguyên nhân là do tình trạng xuất khẩu và hoạt động mua bán bất động sản địa phương giảm. Riyal cũng tăng 17% so với đồng yên của Nhật Bản do khác biệt chính sách tiền tệ giữa Nhật và Mỹ. Và nó cũng tăng gần 10% so với bảng Anh do khủng hoảng chính trị tại Anh trong năm nay.
Tính đến ngày 5 tháng 12, cả ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh đều vượt qua vòng bảng và tiến vào đấu 1/8.
Choung Jongchan là một cổ động viên người Hàn Quốc, 32 tuổi và làm nghề bán vật dụng điện tử. Anh đã chuẩn bị kế hoạch trước 1 năm để tham dự giải đấu World Cup. Tuy nhiên anh cho biết kế hoạch này tốn rất nhiều chi phí cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe.
Jongchan nói việc săn được vé là một chặng đường đầy gian truân và một chuỗi những đêm mất ngủ. Theo anh, vé được phát “nhát gừng” và nhiều cổ động viên không có chỗ đẹp để xem, anh cũng vậy. Vì vậy Jongchan đã bán lại vé của mình và mua một chỗ ngồi “đắc địa” khác sau một khoảng thời gian. Nhưng vì USD có xu hướng tăng mạnh nên việc chờ chỗ mới và mua lại khiến anh phải trả một khoản tiền lớn hơn kèm 5% phí hoa hồng cho nền tảng giao dịch. “Lúc đó, tôi chỉ có hai triệu won (hơn 36 triệu đồng) trong thẻ tín dụng của mình,” Choung nói.
Giá “hơi bất ngờ”
Qatar mùa World Cup cấm rượu nhưng vẫn có thể mua bia Budweiser tại một số địa điểm nhất định. Tuy nhiên một chai Budweiser sẽ có giá 50 riyal (hơn 300 nghìn đồng), gần gấp 10 lần cho một sản phẩm tương tự tại Hàn Quốc.
Đối với cổ động viên Nhật Bản, đồng yên giảm mức thấp nhất trong 3 thập kỷ so với đồng đô la vào tháng 10 cộng với tình trạng giảm phát tại quốc gia này thì giá niêm yết một số mặt hàng gần nơi tổ chức giải đấu khiến họ khá sốc.
Một chai nước khoáng nhỏ có giá khoảng 400 yên (hơn 71 nghìn đồng) và nước ngọt Coca-cola rơi vào khoảng 600 yên (hơn 100 nghìn đồng). Kazunori Takishima, 46 tuổi, chủ doanh nghiệp bất động sản ở Tokyo cho biết anh ấy dự kiến sẽ đổi 25-30 yên ,cho một riyal nhưng thay vào đó, anh ấy phải đối mặt với mức 35-40 yên.
Tuy nhiên không thể phủ nhận nước chủ nhà Qatar đã có nhiều biện pháp mạnh để giảm thiểu chi phí gia tăng. Quốc gia này đã cấm mọi hoạt động bán vé chợ đen và quản lý chi phí ăn ở của du khách thông qua một trang web chính thức. Chưa hết, Qatar còn hỗ trợ sim có internet miễn phí nếu du khách mua thẻ Hayya hoặc có vé xem World Cup. Dù vậy, lạm phát mạnh và sự tăng giá của đô la vẫn gây “áp lực” tới nhiều cổ động viên.
Cũng theo anh Choung: “Một số khách sạn yêu cầu du khách phải thanh toán tiền phòng trước sáu ngày. Vì vậy nếu đặt phòng từ nhiều tháng trước, du khách sẽ phải trả một khoản chi phí lớn hơn hiện tại vì tỷ giá hối đoái cao hơn”.
Hoặc để không phải mua vé có giá tính theo bảng Anh, Aminoor Rashid, 40 tuổi - một nhân viên cơ quan thuế đến từ Newton-le-Willows gần Liverpool đã nhờ người bạn ở Doha của mình mua vé từ tháng Bảy. Vào thời điểm đó, đồng bảng Anh đã giảm 12% so với đồng riyal.
Im Sung Min, 29 tuổi - một nhân viên bán phụ kiện di động đến từ Hàn Quốc cho biết anh đã may mắn đặt cả phòng lẫn vé trước khi đồng đô la tăng vọt. Tuy nhiên anh vẫn mang theo đồ ăn và nhu yếu phẩm phòng trường hợp không đủ chi trả các khoản sinh hoạt tại Qatar.
Vòng đấu 1/8 World Cup đang diễn ra và chung kết sẽ vào ngày 18 tháng 12. Các cổ động viên sẽ cần một chiến lược “thích ứng” mới để có thể xem giải đấu một cách trọn vẹn nhất.
Tham khảo: Bloomberg