Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion trên đảo Paramushir, thuộc quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc mà Nga đang tranh chấp với Nhật Bản, ngày 5-12 - Ảnh: REUTERS
Kể từ sau Thế chiến II, Nga và Nhật Bản vẫn chưa chính thức chấm dứt chiến tranh do tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Kurils, nằm ở phía bắc đảo Hokkaido của Nhật. Quần đảo mà Nhật Bản gọi là "Lãnh thổ phương Bắc" đã bị Liên Xô chiếm đóng sau khi kết thúc Thế chiến II.
Trong Sách xanh Ngoại giao 2022 công bố ngày 22-4, Nhật Bản đã gọi 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nga ở phía bắc nước này là "nơi bị Nga chiếm đóng trái phép".
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định 4 hòn đảo trên là một phần không thể thiếu của lãnh thổ Nga.
Ngày 6-12, Nga thông báo đã triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion tới phía bắc quần đảo Kurils, cụ thể là đảo Paramushir. Hệ thống Bastion có tên lửa tầm bay lên tới 500km, được thiết kế để bảo vệ bờ biển và tiêu diệt các tàu mặt nước bao gồm tàu sân bay, tàu hộ tống và tàu đổ bộ.
"Các quân nhân ven biển của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ canh gác 24/24 giờ để kiểm soát vùng nước lân cận và các vùng eo biển", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Nga cũng lập một trại quân sự trên đảo Paramushir, bao gồm chỗ ở, chỗ giải trí và chỗ cung cấp thực phẩm.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6-12, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Chính phủ Nhật sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động quân sự của Nga.
Ông Hirokazu Matsuno cho biết thêm rằng hoạt động quân sự của Nga đang gia tăng ở các vùng Viễn Đông, song song với chiến sự ở Ukraine.
Trong báo cáo hồi tháng 9 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington cho hay hoạt động quân sự hóa quần đảo Kurils/Lãnh thổ phương Bắc của Matxcơva "phần lớn đã nằm ngoài tầm kiểm soát" do bị lu mờ bởi xung đột Ukraine.
"Các bước của Nga nhằm tăng cường sự hiện diện cho thấy quần đảo này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai của mối quan hệ Nga - Nhật, và Nhật Bản cũng như Mỹ nên tham vấn sâu hơn về các hoạt động của Nga trong khu vực", theo báo cáo của CSIS.
Nhật Bản đã cùng các đồng minh phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga đã rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Nhật Bản và đóng băng các dự án kinh tế chung liên quan đến quần đảo Kurils/Lãnh thổ phương Bắc đang tranh chấp vì lệnh trừng phạt của Nhật Bản.
TTO - Ngày 4-7, Nhật Bản gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi một tàu hải quân của nước này đi gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Xem thêm: mth.78025325160212202-nab-tahn-iov-pahc-hnart-oad-nauq-iot-uht-gnohp-aul-net-aud-agn/nv.ertiout