Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: A LỘC
Ngày 6-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án xăng dầu tiếp tục phần tuyên án đối với 74 bị cáo về tội "buôn lậu" và "nhận hối lộ".
Trong ngày thứ hai tuyên án, hội đồng xét xử công bố tóm tắt nội dung vụ án và đề nghị của viện kiểm sát đối với các tang vật, chứng cứ trong đường dây buôn lậu gần 198 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Đối với tang vật, chứng cứ trong vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã kê biên 17 tàu thủy, 50 thửa đất, phong tỏa 41 tài khoản ngân hàng của các bị cáo với tổng số tiền hơn 173 tỉ đồng, tạm giữ 22 xe bồn, 3 ô tô, 65 điện thoại di động, hơn 221 tỉ đồng…, trị giá các tài sản này lên đến con số hàng trăm tỉ đồng.
Về nội dung vụ án, khoảng tháng 5-2019, Phan Thanh Hữu (65 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) cùng nhóm của Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) thỏa thuận góp vốn để nhập lậu xăng dầu, tổng vốn hai đợt là 53,4 tỉ đồng. Trong đó, Hữu góp 40%, nhóm của Viễn góp 60%, ăn chia theo tỉ lệ 4-6.
Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên hệ mua hàng. Hữu có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng để bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ.
Viễn sử dụng hai tàu biển Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng vận chuyển về vùng biển Việt Nam. Sau đó, Hữu điều ba tàu thủy Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận xăng rồi chở về nội địa bán cho các "chân rết" đưa ra thị trường tiêu thụ.
Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu cùng đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến với hơn 198 triệu lít xăng, tổng trị giá gần 2.600 tỉ đồng. Trong đó, Hữu hưởng lợi hơn 156,2 tỉ đồng.
Các bị cáo lắng nghe hội đồng xét xử tuyên án sau hơn 40 ngày xét xử - Ảnh: A LỘC
Riêng Viễn ngoài hợp tác với Hữu còn góp vốn với một số người khác mua hai tàu thủy lấy xăng từ tàu Pacific Ocean đưa về cảng Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) tiêu thụ. Từ tháng 2 đến tháng 4-2021, nhóm của Viễn buôn lậu ba chuyến với trên 5,7 triệu lít xăng.
Cả hai giai đoạn, Viễn cùng các đồng phạm đã buôn lậu gần 204 triệu lít xăng với tổng giá trị hơn 2.690 tỉ đồng. Cá nhân Viễn thu lợi bất chính trên 46,7 tỉ đồng.
Viện kiểm sát đánh giá hành vi buôn lậu xăng của Hữu, Viễn cùng đồng phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bởi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Hành vi của các bị cáo không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, rối loạn thị trường.
Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với Hữu và Viễn từ 16 - 17 năm tù về tội "buôn lậu", với vai trò cầm đầu. Ngoài ra, 71 bị cáo khác bị đề nghị án phạt tù, phạt tiền hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy (58 tuổi, cựu đội trưởng đội 3 Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) - người duy nhất bị truy tố về hành vi "nhận hối lộ" - bị cáo buộc nhận tiền của Hữu và Nguyễn Hữu Tứ ("chân rết" tiêu thụ xăng lậu của Hữu) với tổng số tiền trên 832 triệu đồng.
Hành vi của Ngô Văn Thụy biểu hiện sự suy thoái về đạo đức công vụ, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, viện kiểm sát đề nghị mức án đối với Thụy từ 15 - 16 năm tù về tội "nhận hối lộ".
Ngày mai 7-12, phiên tòa tiếp tục ngày tuyên án thứ 3, hội đồng xét xử sẽ công bố nhận định về hành vi phạm tội của các bị cáo.
TTO - Sau hơn 40 ngày xét xử, chiều 5-12, TAND tỉnh Đồng Nai bắt đầu tuyên án với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 198 triệu lít xăng về tội danh “buôn lậu” và “nhận hối lộ”.