Tại hội thảo về thúc đẩy tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả thị trường ngày 6/12, TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đánh giá, việc làm ăn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thậm chí khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước.
Khó khăn này, theo phân tích của ông, đến từ các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài như nhu cầu thị trường thế giới giảm sút, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng; việc tiếp cận vốn qua các kênh gặp nhiều hạn chế; giải ngân đầu tư công chậm... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh những quy định liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai... trở nên khắt khe, chi phí tuân thủ cao hơn trước.
"Kinh tế 9 tháng đầu năm phục hồi được xem là kỳ diệu, nhưng chỉ có tính nhất thời vì những yếu tố làm nên điều này không còn tiếp tục từ quý IV và các năm tiếp theo", ông Cung nói. Theo ông, tất cả vấn đề trên có thể làm xói mòn các thành quả cải cách mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Bà Hoàng Minh Thảo, chuyên gia về Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM nói thêm, 2 năm qua, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam bị chững lại.
Trên thực tế, qua 8 năm cải cách hướng tới thị trường tự do, cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu đã được thăng hạng. Nếu năm 2014, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 78 thì đến năm 2019 đã xếp thứ 6; chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc so với trước đó.
Trong bối cảnh này, ông Cung nhận định, Việt Nam lại thiếu vắng những cải cách đột phá để tạo luồng sinh khí mới cho phát triển. Mặt khác, cơ quan nhà nước đang chưa linh hoạt trong điều chỉnh một số chính sách và cách thức quản lý. Ông cho biết, có những biểu hiện của các đơn vị chức năng cho thấy xu hướng thanh kiểm tra, xử phạt hành chính tăng lên thay cho xu hướng nhà nước kiến tạo thuận lợi, giảm rủi ro, chi phí trong kinh doanh.
"10-20 năm trước, Chính phủ luôn nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ bị thanh kiểm tra tối đa 1 lần trong 1 năm. Còn giờ cứ có việc gì xảy ra việc đầu tiên nghĩ đến là lập đoàn thanh tra", ông Cung nói.
Ông Cung lấy ví dụ về chính sách với thị trường xăng dầu vừa qua và cho rằng cách tiếp cận này khiến doanh nghiệp trở thành "tội đồ của sự việc chứ không xem họ là nạn nhân của vấn đề".
TS Nguyễn Đình Cung đề xuất Chính phủ tiếp tục tập trung mạnh vào cải cách thể chế, nhất quán theo thị trường và nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị quốc gia, quản lý nhà nước. "Phải chú ý đến tự do kinh doanh, tự do thị trường vì nó sẽ tạo áp lực nâng cao quản lý nhà nước", ông nói.
Đồng tình với ông Nguyễn Đình Cung, ông Fred Mcmahon, Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada) đánh giá, việc cải thiện thể chế, thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu lúc này của Việt Nam. Bởi đây là cách thức để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.
Bên cạnh câu chuyện thúc đẩy tự do kinh doanh, ông Cung còn lưu ý cần sớm hoá giải các nỗi sợ của công chức nhà nước, nhất là tại địa phương như sợ làm sai, sợ trách nhiệm, rủi ro, bị truy cứu trách nhiệm... Vì đây là nguyên nhân tạo phản ứng từ công chức kiểu "làm ít tốt hơn làm nhiều, không làm tốt hơn làm".
Ông Cung cũng cho rằng, việc ổn định kinh tế vĩ mô là điều cần thiết, tuy nhiên, các nhà điều hành nên linh hoạt, bớt cứng nhắc hơn. "Những bất lợi của Việt Nam chủ yếu do tác động bên ngoài – là thứ chúng ta không kiểm soát được. Do đó, việc điều hành nên theo thị trường hơn là đè nén thị trường", ông góp ý.
Đức Minh