Ngày 22/12, Nguyệt, 37 tuổi, bị TAND Hà Nội xử phạt 7 năm 6 tháng tù và phạt bổ sung 50 triệu đồng về tội Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, theo khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh, Phạm Anh Tuấn (chồng Nguyệt) lĩnh 5 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Phạm Hữu Thuật (lao động tự do) 30 tháng tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng.
9 bị cáo còn lại bị phạt từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù. Vợ chồng Nguyệt và Tuấn phải nộp tiền thu lợi bất chính hơn 25 tỷ đồng.
TAND Hà Nội đánh giá Nguyệt là chủ mưu, khởi xướng điều hành. Các bị cáo nhiều lần chuyển tiền qua biên giới hơn với số tiền hơn 30.000 tỷ đồng nên đây là tình tiết phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, các bị cáo đều là người thân trong gia đình và thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác điều tra phát hiện tội phạm nên HĐXX cân nhắc để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Theo bản án, từ năm 2016, được một số người thuê chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, hưởng phần trăm trên số tiền giao dịch, Nguyệt bắt tay cùng Phạm Hữu Thuật để hợp thức việc này thông qua pháp nhân hai công ty.
Nguyệt sau đó mua của Thuật các bộ hồ sơ tạm nhập, tái xuất với giá 30-40 triệu đồng để hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hoá là linh kiện điện tử, làm thủ tục kê khai hải quan. Hai người cùng góp tiền mua linh kiện từ Trung Quốc để có hàng hoá làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái rồi tái xuất sang Trung Quốc. Hàng đến Trung Quốc lại được quay vòng chuyển về Việt Nam.
Khi có hàng, Thuật mở 49 tờ khai tạm nhập tái xuất với tổng giá trị hơn 52 triệu USD. Việc này chỉ để hợp thức hoá cho việc chuyển tiền ra nước ngoài bằng hình thức thanh toán tiền hàng. Tổng số tiền Thuật và Nguyệt chuyển ra nước ngoài hơn 3.800 tỷ đồng và hưởng lợi 152 triệu đồng.
Từ năm 2017, khi biết rõ các thủ đoạn, cách thức vận chuyển tiền ra nước ngoài, Nguyệt cùng chồng tự mở đường dây mới, rủ thêm các thành viên trong gia đình, gồm em trai Nguyễn Văn Thắng và các cậu, chú, dì, cháu ruột cùng tham gia.
Nguyệt mượn chứng minh nhân dân của 8 người thân lập 8 công ty "ma" để lợi dụng pháp nhân mở hồ sơ khống chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Nguyệt chỉ đạo các đồng phạm là người nhà, lập hợp đồng kinh tế khống, con dấu nước ngoài, tự ký chữ ký giả. Nội dung về mua bán linh kiện điện tử của các công ty Singapore để xuất bán sang Trung Quốc, mục đích mở được tờ khai hải quan.
Để có hàng hóa, Nguyệt chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Thắng mua các linh kiện điện tử từ Trung Quốc. Cùng lúc, Nguyệt thuê một người khác sử dụng lô hàng này để vận chuyển quay vòng theo chiều Việt Nam - Singapore và ngược lại, cho tất cả hợp đồng mua bán khống.
Khi khách hàng có nhu cầu thuê chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, Nguyệt và đồng phạm sẽ dùng các hồ sơ tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã được hợp thức hoá để chuyển tiền. Nguyệt sẽ trực tiếp đứng ra thoả thuận với khách hàng về tỷ giá quy đổi ngoại tệ về công chuyển tiền. Tiền chuyển ra nước ngoài được nhóm này thông qua các ngân hàng ở Quảng Ninh và Lào Cai, dưới hình thức thanh toán tiền hàng quốc tế.
Bằng phương thức trên, từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2020, nhóm Nguyệt đã lợi dụng pháp nhân của 8 công ty chuyển trót lọt ra nước ngoài 30.498 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, người chuyển tiền cho Nguyệt để chuyển trái phép ra nước ngoài là một số chủ doanh nghiệp, cửa hàng vàng bạc ở phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm; còn một số người khác là chủ doanh nghiệp ở TP HCM. Tuy nhiên tài liệu thu thập được chưa đủ căn cứ xử lý nên Công an Hà Nội đã tách hồ sơ để điều tra trong vụ án khác.
Xem thêm: lmth.5421554-ut-man-7-noh-tahp-ib-iaogn-coun-ar-gnod-yt-000-03-neyuhc-uum-uhc/ten.sserpxenv