Ngày 30-11, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện toàn bộ 15 trụ tua bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và 6 trụ tua bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 đã được xây dựng ngoài đất do tỉnh cấp.
Đoàn kiểm tra đang đề nghị UBND tỉnh xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xử lý.
18 trụ tua bin gió trồng ngoài đất được cấp
Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đều do Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (sau điều chỉnh thành Công ty CP điện gió Hướng Linh 2, có trụ sở tại Quảng Bình) làm chủ đầu tư.
Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 gồm 15 tua bin với tổng vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, được vận hành từ cuối tháng 10-2019.
Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 cũng gồm 15 tua bin, nhưng vốn đầu tư là 1.400 tỉ đồng.
Trước đó, công ty này đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân.
Nhà máy Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đều được cấp 15 "sổ đỏ" với tổng diện tích lần lượt là gần 7,3ha và 5,4ha.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra liên ngành đã đối chiếu và phát hiện toàn bộ 15 trụ tua bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 đều xây dựng ngoài đất được cấp và không đúng với vị trí đã được Sở Xây dựng cấp phép trước đó.
Riêng 15 trụ tua bin gió của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 thì có 3 trụ chỉ có một phần trong đất được cấp; 3 trụ nằm ngoài đất được cấp; và 3 trụ nằm trong phạm vi đất thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông.
"Như vậy, chủ đầu tư đã sử dụng đất chưa được cấp "sổ đỏ" để xây dựng tua bin gió là vi phạm quy định. Vì những diện tích này chưa được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa được UBND tỉnh cho thuê đất" - đoàn kiểm tra xác định.
"Tôi làm đúng"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Huế - chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu - cho rằng mình làm đúng.
Ông Huế cho biết toàn bộ đất trồng trụ tua bin gió của hai nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đều do công ty mua lại của người dân, hiện ông đều có sổ đỏ.
Cũng theo ông Huế, thời điểm năm 2015, toàn bộ 3.000ha đất ở vùng này đã được Chính phủ thay đổi quy hoạch thành đất năng lượng.
"Thời điểm đó vì quy định của pháp luật với loại đất này mới chỉ là quy định chung, chứ chưa có hướng dẫn chi tiết dưới luật nên tôi được chọn vị trí phù hợp nhất để triển khai dự án của mình" - ông Huế nói.
Hỏi vì sao thời điểm đó Sở Xây dựng còn cấp phép xây dựng từng trụ tua bin gió, ông Huế khẳng định đối với điện thời điểm đó đã có quy hoạch vùng rồi thì không cần phải cấp phép xây dựng.
Với những quan điểm của ông Huế, ông Hồ Xuân Hòe, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, khẳng định chủ đầu tư nói như vậy là không có căn cứ.
"Vì mọi dự án đều phải được chính quyền địa phương giao đất. Trong đó sẽ có giao bao nhiêu diện tích, ở đâu, có địa chỉ, tọa độ cụ thể chứ không thể nói quy hoạch cả vùng 3.000ha là muốn làm đâu thì làm trong đó được" - ông Hòe cho hay.
Theo đoàn kiểm tra, sau khi có kết luận đoàn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai nêu trên.
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 để lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan.