Điểm tập kết rác thành bãi rác được phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội (trong đó có huyện Thạch Thất) là do khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì - thị xã Sơn Tây) đã dừng hoạt động từ khoảng đầu năm 2023 đến nay.
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn dừng hoạt động đã khiến rác thải sinh hoạt ở các huyện, thị xã phía Nam và Tây của Hà Nội phải chuyển rác về bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) để xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Dũng (70 tuổi, xã Hữu Bằng) - có người thân sống cạnh điểm tập kết rác - cho biết: "Mùa rét mùi hôi thối ít hơn mùa nắng nóng nhưng cũng rất khó chịu. Ruồi nhiều lắm. Mong muốn rác thải được đưa đi xử lý thường xuyên, không tồn đọng như thế này ảnh hưởng đến đời sống của người dân".
Theo ông Dũng, cách đây mấy năm trước điểm tập kết rác chỉ rộng khoảng vài trăm mét vuông nhưng đến nay đã tràn ra nhiều diện tích khác.
Chiều 5-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Mạnh Hồng - chủ tịch UBND huyện Thạch Thất - cho biết: "Do bãi rác thải Xuân Sơn đang đóng cửa nên phải chuyển qua bãi rác Nam Sơn xa hơn gấp 3 lần. Tại bãi rác Nam Sơn có nhiều quận, huyện đổ rác tập trung nên các xe chở rác phải chờ mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi đã báo cáo TP Hà Nội, đây là tình trạng chung của nhiều địa phương…".
"Giải pháp trước mắt là gom ra điểm tập kết, không để tồn đọng trong khu dân cư. Rác cũ sẽ chuyển đi trước, rác mới chuyển đi sau. Trên địa bàn huyện mỗi ngày phát sinh khoảng 151 tấn rác thải (tùy từng thời điểm). Mùa này thì rác thải lại nhiều hơn bình thường", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, rác thải trên địa bàn huyện Thạch Thất đang được liên danh Công ty môi trường đô thị Xuân Mai và Hợp tác xã Thành Công thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý.
Ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày xã Hữu Bằng phát sinh khoảng hơn 10 tấn rác thải sinh hoạt và nhiều tấn rác thải từ làng nghề.
Đến nay điểm tập kết rác ở xã Hữu Bằng tồn đọng hàng ngàn tấn chưa được đưa đi xử lý. Cách xã Hữu Bằng không xa, tại điểm tập kết rác ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), hàng tấn rác thải tồn đọng cũng vẫn chưa được vận chuyển đi xử lý.
Thêm hình ảnh ghi nhận tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt ở huyện Thạch Thất và Quốc Oai:
Khi nào các địa phương phải phân loại rác thải tại nguồn?
Trước đó, ngày 2-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn nhằm định hướng các địa phương ban hành quy định cụ thể vì rác thải phải tùy vào từng loại, đặc tính, hạ tầng kỹ thuật thu gom. Hướng dẫn được dành cho ba loại rác là rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các địa phương phải triển khai thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt chậm nhất đến ngày 31-12-2024.
Theo nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định sau ngày 31-12-2024, người dân không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Thùng rác công nghệ ở trung tâm Hà Nội với kỳ vọng giải quyết rác thải đường phố, nhưng đáng tiếc đến nay lại chưa phát huy hiệu quả.