Dự báo này vừa được Hiệp hội Vận tải Hàng không Thế giới (IATA) công bố hôm nay (6/12) tại Geneve (Thụy Sĩ).
Năm 2023, ba thị trường hàng không phục hồi mạnh, đã có lãi lớn gồm Bắc Mỹ (lãi 14,3 tỷ USD), châu Âu (7,7 tỷ USD), Trung Đông (2,6 tỷ USD). Trong khi đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Mỹ Latinh vẫn chưa thể thoát lỗ.
Năm nay, các hãng bay châu Á - Thái Bình Dương phục hồi nhanh, nhưng vẫn lỗ khoảng 100 triệu USD, trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế kết nối với Trung Quốc mới bằng 40% mức trước dịch.
Hai năm gần nhất, thị trường châu Á-Thái Bình Dương đều lỗ trên 13,5 tỷ USD. IATA dự tính sang năm 2024, thị trường châu Á - Thái Bình Dương có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD. Chỉ số khách luân chuyển (RPK) của toàn thị trường này sẽ tăng 13,5% trong cả năm sau, nhưng vẫn thấp hơn 1,4% so với mức trước dịch năm 2019. Còn hai thị trường Mỹ Latinh và châu Phi được dự báo vẫn chưa thể "khỏi mặt đất" năm sau.
Theo IATA, nhìn chung doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không toàn cầu cả năm 2023 tốt hơn so với dự báo hồi tháng 6. Trong đó, các hãng bay đạt doanh thu gần 900 tỷ USD năm 2023 (tăng 90 tỷ USD so với dự tính trước đó). Sau khi trừ chi phí, các doanh nghiệp lãi 23,3 tỷ USD, tương đương biên lãi ròng khoảng 2,6%.
Willie Walsh, Giám đốc điều hành IATA đánh giá dù ngành hàng không phục hồi ấn tượng, biên lợi nhuận trên kém xa mức các nhà đầu tư mong muốn và thấp hơn nhiều lĩnh vực khác. Với lợi nhuận 23,3 tỷ USD, các hãng bay toàn cầu lãi bình quân 5,45 USD từ mỗi hành khách họ vận chuyển năm ngoái.
"Số tiền 5,45 USD này đủ để mua một ly cà phê latte cỡ vừa ở Starbuks London, nhưng vẫn quá ít để đóng góp, xây dựng một tương lai có thể chống chọi lại với những cú sốc của ngành hàng không", Walsh nói. Hiện tại, các hãng bay vẫn cạnh trạnh khốc liệt để thu hút hành khách và phải đối mặt với chi phí cao, rào càn từ nhiều quy định, chuỗi cung ứng có nhiều nhóm độc quyền.
Năm 2024, IATA dự tính các hãng bay toàn cầu sẽ đạt doanh thu kỷ lục với 964 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách khoảng 717 tỷ USD, tăng 12% so với năm nay. Dù vậy, biên lãi ròng của ngành này cũng chỉ tăng lên 2,7%, tương ứng với mức lãi 25,7 tỷ USD.
Chi phí của các hãng bay dự kiến cũng tăng mạnh 6,9% lên mức 914 tỷ USD. Con số này tăng hơn 15% so với mức trước dịch. Nguyên nhân chính khiến chi phí của ngành hàng không biến động lớn là giá nguyên liệu vẫn ở mức cao.
Theo IATA, giá nhiên liệu bay (chiếm trên 30% chi phí của các hãng hàng không) năm 2024 dự kiến vẫn ở mức bình quân 113,8 USD mỗi thùng. Con số này vẫn cao gần gấp đôi mức giá trước năm 2019.
Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng phải đối mặt với một số rủi ro từ việc tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chậm lại, xung đột tại Ukraine, cũng như ở Trung Đông. Thị trường hàng không châu Âu còn thêm khó khăn do thiếu nhân lực trong ngành này.
Anh Tú