Với những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và loạt giải pháp được nêu ra tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, kỳ vọng hoạt động cho vay của ngành ngân hàng sẽ có sự bứt phá trong tháng cuối năm này.
Với định hướng linh hoạt trong chính sách cho vay của Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, sẽ xem xét giải ngân một cách linh hoạt hơn nữa như nâng mức vay dựa trên giá trị tài sản đảm bảo, vốn bị sụt giảm so với trước đây do thị trường đi xuống hay vẫn xem xét cho vay với trường hợp không có tài sản đảm bảo nhưng khách hàng có điều kiện trả nợ.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB cho biết: "Những chỉ đạo như vậy rất thực tế, thiết thực trong điều kiện như hiện nay. Tăng trưởng tín dụng sẽ tạo đòn bẩy rất mạnh. Ngân hàng cũng phải rất nỗ lực trong câu chuyện giảm thủ tục hành chính trong cho vay. Giảm thiểu và hạ thấp tiêu chuẩn cho vay là rất khó nhưng giảm thiểu thủ tục hành chính là có thể được. Thứ 2 nữa là tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay đến từng đối tượng, để tạo sự tự tin cho khách hàng người ta vay".
PGS - TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói: "Theo tôi đánh giá, những giải pháp này sẽ tạo ra sức bật nhất định và cởi trói một số vấn đề cho các ngân hàng thương mại khi họ quyết định cho người dân và doanh nghiệp cho vay. Việc xét duyệt cho vay sẽ linh hoạt hơn, tạo sức bật về tăng trưởng tín dụng từ giờ đến cuối năm và cho cả năm sau".
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng đạt 8,21%; Đến 30/11, tín dụng tăng 9,15%, tức là chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 11, tín dụng đã tăng thêm gần 1% nữa. Kết quả này cho thấy những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, nhất là sau công điện mới đây của Thủ tướng đã giúp khơi thông vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều giải pháp để tín dụng có thể tăng trưởng như tăng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu, cho phép ngân hàng tham gia quá trình tái cấu trúc danh mục trái phiếu, tăng cầu tín dụng tiêu dùng.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright Việt Nam cho biết: "Chúng ta phải tìm cách gia tăng không gian cho tín dụng tiêu dùng. Các ngân hàng hoàn toàn có thể đưa ra một số công cụ như tăng hạn mức thẻ tín dụng, tăng hạn mức thấu chi, ứng lương cho người lao động. Khi người tiêu dùng gia tăng chi tiêu, doanh nghiệp sẽ có thêm một sức cầu của nền kinh tế".
Ngân hàng Nhà nước không đề cập sẽ bỏ công cụ room tín dụng nhưng cho biết sẽ điều hành chỉ tiêu tín dụng linh hoạt hơn, mang tính thị trường hơn và ngân hàng thương mại sẽ không phải đi xin.
Ngân hàng Nhà nước sẽ lắng nghe các góp ý để chỉnh sửa các văn bản pháp luật đã ban hành như Thông tư 02, 06... phù hợp với thực tiễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.41422225080213202-man-iouc-cuc-hcit-gnourt-gnat-gnov-yk-gnud-nit-gnouv-og/et-hnik/nv.vtv