Các cá nhân này gồm: Nguyễn Văn Dũng - cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, phụ trách công tác thanh tra, giám sát, cựu Cục trưởng Cục II thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng; Võ Văn Thuần - Phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM; Phan Tấn Trung - cựu Phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, phụ trách Tổ giám sát giai đoạn tháng 9/2020 - 2022; Nguyễn Tín - cựu Tổ trưởng Tổ giám sát giai đoạn 2016 - 2019; Nguyễn Thị Phi Loan - cựu Phó chánh thanh tra phụ trách thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cựu Phó Cục trưởng Cục II về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sai phạm của 5 cá nhân trên liên quan đến 4 Tổ giám sát Ngân hàng SCB giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022; Thẩm định kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019; Đoàn thanh tra SCB năm 2022. Theo C03, tại Văn bản số 31 ngày 19/3/2015, các bị can đã báo cáo không đúng thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của SCB với Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). Ở hành vi sai phạm này, trách nhiệm thuộc về Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín.
Tại Công văn số 1029 ngày 10/6/2016 của Cục II, C03 cáo buộc, một số bị can đã báo cáo không đầy đủ các sai phạm xảy ra tại SCB được phát hiện thông qua cuộc kiểm tra. Ở hành vi sai phạm này, C03 cáo buộc, trách nhiệm thuộc về Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần và Nguyễn Tín. Ở Báo cáo Giám sát số 1095 ngày 04/7/2019, các bị can đã chỉnh sửa theo hướng có lợi cho SCB. Ở hành vi này, C03 xác định bị can Nguyễn Văn Thuần chịu trách nhiệm về các sai phạm.
Cũng theo C03, các bị can đã có hành vi không chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra theo đề xuất của Tổ Giám sát dẫn đến không phát hiện được các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB để có biện pháp xử lý kịp thời. Ông Nguyễn Văn Thuần phải chịu trách nhiệm về các sai phạm này.
Tiếp đó, các bị can tiếp tục có sai phạm ở việc chỉnh sửa báo cáo giám sát lên Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng theo hướng có lợi cho Ngân hàng SCB. Cụ thể, sai phạm thuộc trách nhiệm của bị can Phan Tấn Trung. Mặt khác, C03 cáo buộc khi tiến hành thanh tra, bị can Phan Tấn Trung có sai phạm không kiến nghị Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về việc thanh tra pháp nhân SCB theo đề xuất của Tổ Giám sát, dẫn đến không phát hiện được sai phạm xảy ra tại ngân hàng này để có biện pháp xử lý kịp thời.
Lần thứ ba, ông Nguyễn Văn Dũng cùng với Phan Tấn Trung bị cáo buộc có trách nhiệm khi báo cáo không trung thực kết quả giám sát SCB với Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, không kiến nghị thanh tra để xử lý đối với các dấu hiệu sai phạm được phát hiện thông qua công tác giám sát theo nội dung chỉ đạo của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tại Công văn số 579 ngày 02/7/2021.
Theo C03, Nguyễn Văn Dũng khai đã nhận của SCB tổng cộng 400 triệu đồng và 15.000 USD; Võ Văn Thuần nhận tổng số 1,8 tỷ đồng; Phan Tấn Trung nhận 1,2 tỷ đồng; Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu đồng; Nguyễn Tín nhận từ SCB 500 triệu đồng.
Liên quan đến việc chi tiền cho các cá nhân, Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng Giám đốc SCB, Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó Tổng giám đốc, Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT, Trương Khánh Hoàng - cựu Quyền Tổng giám đốc và Bùi Nhân - cựu Phó Tổng giám đốc khai: các dịp lễ, tết từ năm 2012 - 2022, các bị can có đưa tiền và quà cho lãnh đạo Cục II Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, thành viên Tổ giám sát từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy từng vị trí.
Tuy nhiên, ngoài 5 bị can trên, một số người liên quan nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, 17 cá nhân thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 01/2016 khai không nhận lợi ích vật chất (tiền, quà) của Ngân hàng SCB khi tham gia giám sát đối với ngân hàng này.
Xem thêm: lmth.843651_oan-eht-uhn-neit-ihc-bcs-coud-gnah-nagn-ob-nac-uuc-nad/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc