Thủ tướng Hungary Viktor Orban được cho đã bước khỏi phòng họp với lá phiếu trắng khi EU khởi động "bước đi lịch sử" về việc đàm phán tư cách thành viên cho Ukraine.
Sự kiện diễn ra trong cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ) ngày 14 và 15-12 vừa qua phản ánh mâu thuẫn sâu sắc giữa Hungary và EU. Nhưng vì sao trong lúc giới chóp bu EU cổ vũ Ukraine, một thành viên của khối này như Hungary lại liên tục "cản lối"?
Tuổi Trẻ Online điểm lại những vấn đề chính về bản chất việc Hungary phản đối viện trợ Ukraine, ngăn Ukraine gia nhập EU.
Mâu thuẫn căn bản giữa Hungary và EU là gì?
Thái độ của Hungary đối với hai vấn đề liên quan tới Ukraine nêu trên (viện trợ và tư cách thành viên EU) xuất phát từ mâu thuẫn giữa Hungary và EU.
Là thành viên EU, nhưng mối quan hệ giữa Hungary và EU đã suy yếu hơn 10 năm qua. Đa số cho rằng mối quan hệ này tệ đi từ lúc Thủ tướng Orban nắm quyền năm 2010.
Trên truyền thông, ông Orban thường bị mô tả bằng những từ như "dân túy", "cực hữu", hoặc "độc tài", vốn không được ủng hộ rộng rãi trong chính trị dòng chính tại châu Âu. Vị lãnh đạo Hungary cũng không ít lần khẩu chiến với các nước trong khối vì khác biệt trong cách tiếp cận ở nhiều vấn đề.
Không lâu sau khi ông Orban tái đắc cử với tỉ lệ áp đảo năm 2022, EU mở cuộc điều tra vào đợt bầu cử nước này. Đây là cột mốc dẫn tới những thủ tục tước bỏ nguồn tài trợ cho Hungary với lo ngại về "tiêu chuẩn dân chủ".
Vài tháng trước đợt bầu cử ấy, Hungary ra một luật gây tranh cãi về việc cấm "cổ vũ", "quảng bá" đồng tính hoặc chuyển giới cho trẻ vị thành niên. Luật này đã khiến các nhà hoạt động nổi giận, và các chính trị gia châu Âu xem đây như một màn tấn công nhằm vào sự công nhận và quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+.
LGBTQ+ đại diện cho rất nhiều vấn đề diễn tả sự khác biệt giữa Hungary và phần còn lại ở châu Âu xung quanh nhân quyền và pháp quyền. Từ truyền thông cho tới các bài báo khoa học, Hungary bị gọi bằng cái tên "nền dân chủ zombie", tức sự "dân chủ" chỉ tồn tại một cách hình thức.
Tháng 9-2022, Nghị viện châu Âu tuyên bố Hungary không còn là "nền dân chủ đầy đủ", và rằng EU cần phải hành động. Tháng 4-2023, 15 trên 27 thành viên EU đã có hành động pháp lý chống lại Hungary vì những lo ngại quanh các điều luật mà họ cho là chống LGBTQ+.
Lý do Hungary phản đối Ukraine
Căng thẳng về nhân quyền và pháp quyền dẫn tới việc EU quyết định đóng băng hơn 30 tỉ euro trong quy tắc gắn kết và phục hồi vốn sẽ gửi cho Hungary. Phía EU yêu cầu Hungary phải đáp ứng các tiêu chuẩn, thực hiện cải cách nhằm khôi phục việc tiếp cận số tiền này.
Với việc Hungary lâu nay đã công khai phản đối viện trợ Ukraine cũng như việc kết nạp Ukraine vào EU, nhiều ý kiến cho rằng EU sẽ phải lưu ý vấn đề giải ngân số tiền trên như một con bài thuyết phục Budapest.
Nói theo cách tiêu cực, trước cuộc họp thượng đỉnh của EU ở Brussels (Bỉ) tuần này, Hungary dùng Ukraine như một "con tin" để EU phải giải phóng số tiền 30 tỉ euro đang "đóng băng".
Hôm 13-12, EU có động thái được xem như nỗ lực nhượng bộ cuối cùng trước cuộc họp, khi Ủy ban châu Âu cho phép Hungary tiếp cận 10 tỉ euro.
Tuy nhiên, trong phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Hungary Orban khẳng định nước này vẫn giữ quan điểm phản đối khởi động đàm phán tư cách thành viên cho Ukraine, thậm chí không muốn đưa vấn đề này vào nội dung thảo luận.
Theo ông Orban, các nước EU nên lấy tiền của quốc gia mình để viện trợ Ukraine, thay vì sử dụng nguồn quỹ chung của EU.
Cũng như Hungary, Ukraine bị EU yêu cầu thực hiện cải cách để gia nhập khối này. Trong lập luận lâu nay, Hungary vẫn nhấn mạnh Ukraine chưa thể hiện tốt trong vấn đề cải cách, vì vậy đây là lý do Budapest phản đối chuyện khởi động đàm phán cho Ukraine gia nhập.
Nói cách khác, từ góc nhìn của Hungary, EU đang thực hành "tiêu chuẩn kép". Một mặt, EU cắt nguồn quỹ rót cho Hungary vì vấn đề cải cách. Một mặt, Brussels muốn dùng nguồn quỹ chung viện trợ Ukraine, và khởi động đàm phán cho Ukraine gia nhập bất chấp vẫn còn tranh cãi về mức độ "cải cách" của Kiev.
Lá phiếu trắng và động tác lạ lùng của Đức
EU nhượng bộ 10 tỉ euro, Hungary cũng ít nhiều kiềm chế. Hungary cản gói viện trợ cho Ukraine, nhưng không bỏ phiếu chống với việc khởi động đàm phán tư cách gia nhập EU của Ukraine.
Tuy vậy, chi tiết lá phiếu trắng của Hungary đang nói lên nhiều điều hơn về vấn đề của EU.
Theo tường thuật của báo Politico, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có ý rằng nếu Thủ tướng Hungary Orban không muốn Ukraine gia nhập EU, thì ông Orban có thể cân nhắc việc rời khỏi phòng họp. Theo ông Scholz, điều này sẽ giúp 26 quốc gia thành viên còn lại của EU duyệt cho Ukraine khởi động đàm phán.
Thực tế, quy định của EU không đòi hỏi sự nhất trí hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa một lãnh đạo nước thành viên như ông Orban có vắng mặt thì sự đồng thuận vẫn được đảm bảo.
Báo chí châu Âu có vẻ lạc quan với diễn biến này, mô tả việc ông Orban rời đi và bỏ phiếu trắng như một động tác "giúp" đường vào EU của Ukraine thuận lợi. Nhưng xét bức tranh lớn, nguyên tắc đồng thuận là điều Hungary cũng như cả Ba Lan đều lo ngại khi nhắc về việc EU muốn đổi các quy định trong hiệp ước.
Nếu EU từ bỏ nguyên tắc đồng thuận để chuyển sang cách ra quyết định dựa trên số phiếu đa số, việc này sẽ đồng nghĩa một số nước bị bỏ lại phía sau, đặc biệt những "nền dân chủ không đầy đủ" như cách họ gọi Hungary.
Sau khi Anh rời khỏi EU trong sự kiện được gọi với cái tên Brexit, EU đã trải qua nhiều năm liền vật lộn với sự tồn vong. Dù điều này xuất phát từ "làn sóng chính trị dân túy và cực hữu lan rộng" ở châu Âu hay từ chính EU, đó vẫn là mối lo lớn cần được giải quyết, thay vì chỉ mỗi câu chuyện Hungary - Ukraine.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban dọa sẽ bỏ phiếu chống với một kế hoạch viện trợ lớn của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.