Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda hôm 25/12 cho biết khả năng đạt mục tiêu lạm phát bền vững "đang cao dần lên". Họ cũng sẽ cân nhắc thay đổi chính sách nếu triển vọng này "tăng đủ mạnh".
"Nếu lương và giá tăng ổn định, cũng như khả năng đạt mục tiêu lạm phát được đánh giá là bền vững, chúng tôi có thể cân nhắc thay đổi chính sách", Ueda cho biết.
Giới phân tích đánh giá đây là tín hiệu rõ ràng nhất mà Ueda đưa ra về khả năng chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Lãi suất tham chiếu kỳ hạn 1 năm tại đây hiện là -0,1%.
Ông nhận định dù các doanh nghiệp đang ngày càng cởi mở với việc tăng lương và tăng giá, chìa khóa ở đây là liệu năm sau, lương có tiếp tục tăng hay không. Ueda cho biết BOJ vẫn chưa quyết định thời điểm chính xác sẽ thay đổi lập trường chính sách, do môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn. Nhật Bản hiện là quốc gia có chính sách tiền tệ nới lỏng nhất trong nhóm nền kinh tế lớn.
"Chúng tôi sẽ theo sát diễn biến kinh tế, cũng như các động thái về lương và giá của doanh nghiệp, từ đó quyết định tương lai của chính sách tiền tệ cho phù hợp", ông nói.
Phát biểu của ông Ueda hôm nay khác với những lần trước, khi không còn nhắc đến việc cần "kiên nhẫn" duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Lạm phát tại Nhật Bản đã vượt mục tiêu của BOJ hơn một năm qua. Điều này khiến thị trường kỳ vọng BOJ bỏ chính sách lãi suất âm trong năm tới. Một số dự báo lãi suất sẽ tăng ngay tháng 1/2024.
Ueda cho rằng việc Nhật Bản rơi vào thời kỳ lạm phát thấp và tăng trưởng lương ì ạch kéo dài có thể đã khiến người dân cho rằng giá và lương sẽ vẫn ở mức quanh 0%. Việc thay đổi quan điểm này và tạo ra vòng xoáy tăng lương - tăng giá sẽ có nhiều lợi ích, như phân phối nhân lực hiệu quả hơn, ông giải thích.
Lạm phát tăng tốc cũng sẽ kéo lãi suất lên cao, giúp BOJ giảm lãi khi cần thiết để ngăn nền kinh tế quay lại thời kỳ giảm phát.
Hà Thu (theo Reuters)