Chưa hết, cùng là vàng 9999 nhưng giá vàng miếng SJC chênh giá vàng nhẫn 16 triệu đồng/lượng và chênh giá vàng thế giới gần 19 triệu đồng/lượng.
Nhiều năm qua, những bất hợp lý này tồn tại trên thị trường là do đâu và cần làm gì bình ổn thị trường vàng?
Vàng miếng SJC bị "làm giá"
Giá vàng miếng SJC đã tăng triền miên hơn một tháng qua. Từ mức 67 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã leo lên đỉnh "gây sốc" là 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 26-12.
Đáng chú ý là ở thời điểm giá vàng miếng SJC đạt mức đỉnh mọi thời đại, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng chỉ tương đương khoảng 62 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 18,29 triệu đồng/lượng.
Trước đó ở thời điểm trước khi sốt giá, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 10 - 12 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, một tháng trở lại đây, chênh lệch này tăng thêm 6 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những ngày gần đây giá vàng miếng SJC biến động trong biên độ rất rộng, nhất là trong hai ngày 28 và 29-12 sau khi Thủ tướng có chỉ đạo nóng về bình ổn thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp.
Sáng 29-12, giá bán vàng miếng SJC giảm sâu về ngưỡng 74 triệu đồng/lượng, mua vào chỉ còn 71 triệu đồng/lượng, nhưng lúc 13h bất ngờ bật tăng trở lại lên mức 77 triệu đồng/lượng. Giá mua vào cũng tăng lên mức 74 triệu đồng/lượng.
Đến cuối ngày 29-12, giá bán giảm về mức 76 triệu đồng/lượng, mua vào 73 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý chênh lệch giữa giá mua - bán giữ cách biệt 3 triệu đồng/lượng trong suốt ngày 29-12.
Các chuyên gia cảnh báo giá vàng hiện nay vẫn là ẩn số vì thị trường đang chờ đợi sau tuyên bố cơ quan quản lý sẽ can thiệp như thế nào và ở mức độ nào với thị trường vàng?
Nếu Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng thì giá vàng sẽ sập rất mạnh, có khi về vùng giá 70 triệu đồng/lượng, thậm chí thấp hơn.
Chờ động thái can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đây không phải là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp.
Tuy nhiên, cùng với chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 1426 gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước; bộ trưởng các bộ Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng đã tác động rất mạnh đến thị trường vàng.
Giá vàng miếng SJC có thời điểm đã giảm 6 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh. Có người "đu đỉnh" vàng còn có lúc bị "bốc hơi" 9 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng thời điểm này người nắm giữ vàng có tâm lý nghe ngóng động thái của Ngân hàng Nhà nước. Dù đã giảm nhưng giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 16 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh rất cao. Chính mức chênh này tạo ẩn số cho giá vàng miếng SJC trong những ngày tới.
Vấn đề là sau tuyên bố, cơ quan quản lý sẽ can thiệp như thế nào và ở mức độ nào với thị trường vàng? Theo lãnh đạo một công ty vàng, nút thắt hiện nay đang nằm ở việc liệu Ngân hàng Nhà nước có cấp phép cho Công ty SJC dập thêm vàng miếng SJC hay không.
Từ năm 2014, Công ty SJC không được cấp phép dập thêm vàng miếng mà chỉ được dập lại một lượng rất ít vàng miếng đã sản xuất nhiều năm trước bị móp méo.
Điều đó có nghĩa suốt 10 năm qua, nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường không tăng thêm mà còn "hao hụt" đi do các công ty vàng chuyển hóa sang vàng trang sức, mỹ nghệ, sau đó đem đi xuất khẩu.
Trước năm 2020, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi không quá cao như hiện nay. Thậm chí có thời điểm giá vàng miếng SJC còn xuống thấp hơn giá vàng thế giới.
Có tiệm vàng còn lấy vàng miếng SJC để chế tác ra vàng nhẫn 9999 loại 1 chỉ và nửa chỉ để bán cho người dân vì số lượng miếng vàng SJC loại 1-2 chỉ rất hiếm. Tuy nhiên, sau đó giá vàng miếng ngày càng bỏ xa vàng nhẫn 9999 và giá vàng thế giới do nguồn cung vàng miếng SJC ngày càng khan.
Giải pháp nào?
Trong thông cáo phát đi ngày 28-12, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 1-2024 Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Do vậy không chỉ các chuyên gia mà người tiêu dùng rất kỳ vọng những giải pháp này sẽ kéo giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới 3-5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia cũng "hiến kế" nhiều giải pháp cho thị trường vàng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Nho Bảng - phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng Ngân hàng Nhà nước điều hành thị trường vàng bằng chính sách.
Tuy nhiên, ông Bảng không ủng hộ việc bình ổn thị trường vàng bằng cách cho dập thêm vàng miếng. Nguyên nhân là việc tăng nguồn vàng, nhất là vàng miếng, ra thị trường sẽ đi ngược lại chủ trương chống vàng hóa mà chúng ta thực hiện suốt hơn chục năm nay.
Nghị định 24 của Chính phủ có rất nhiều giải pháp là để giảm vàng trong dân. Qua đó tiền, nguồn lực trong dân sẽ đưa ra nền kinh tế để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Bảng, việc can thiệp thị trường bằng cách xuất quỹ dự trữ để nhập khẩu vàng cũng là điều không nên dù nghị định 24 có quy định giao Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường.
"Bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay hoàn toàn khác so với cách đây 12 năm khi ban hành nghị định 24", ông Bảng nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nếu Nhà nước cho nhập vàng để sản xuất vàng miếng SJC thì sẽ càng tăng thêm tính độc quyền của thương hiệu này, như vậy tạo sự bất bình đẳng giữa các thương hiệu vàng khác.
Xem xét chi tiết thì với chất lượng vàng như nhau, độ tuổi và trọng lượng như nhau mà vàng miếng SJC lại cao hơn các thương hiệu vàng khác đến chục triệu đồng và cao hơn giá thế giới có thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng là điều hết sức vô lý.
"Nếu Nhà nước cho dập thêm vàng miếng SJC thì nhiều người lại đổ xô đi mua. Điều này có thể khiến giá vàng SJC lại càng nóng hơn, vô hình trung khuyến khích người dân tích trữ vàng" - ông Long cảnh báo.
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC để bình ổn thị trường
Đó là khẳng định của ông Đào Xuân Tuấn, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi trao đổi với báo chí ngày 29-12.
* Trước việc giá vàng miếng SJC tăng cao, NHNN có giải pháp gì, thưa ông?
- Vàng là tài sản có giá trị cao, giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo NHNN cũng đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng.
Mục tiêu xuyên suốt của nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.
Hiện nay, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời NHNN đang tổng kết, đánh giá việc triển khai nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.
* Nhiều ý kiến cho rằng bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. NHNN dự kiến có sửa vấn đề này không?
- Thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng có liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá nghị định 24. Trong tháng 1-2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Hà Nội: giá vàng "nhảy múa", giao dịch ảm đạm
Sau khi tăng vọt lên 77 triệu đồng/lượng vào 12h ngày 29-12, trong buổi chiều cùng ngày, giá vàng miếng SJC dao động quanh ngưỡng từ 74,9 - 76 triệu đồng/lượng tùy vào công ty cung cấp.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, trái ngược với giao dịch sôi động hai ngày trước, chiều 29-12 tại nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, lượng khách đến mua - bán vàng khá ảm đạm. Sự tăng giảm liên tục của giá vàng trong ngày khiến khách mua vàng dè dặt.
Bà Trần Thị Hiên (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) băn khoăn chưa mua vàng khi giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra chênh lệch đến 3-4 triệu đồng/lượng.
Dù có giảm so với hai ngày trước nhưng giá vàng miếng 76 - 77 triệu đồng/lượng vẫn là quá cao để cất trữ. Hơn nữa, giá vàng có thể sẽ giảm sâu vài ngày tới sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng và thông tin của Ngân hàng Nhà nước về điều hành thị trường vàng.
Còn ông Nguyễn Văn Hải (quận Thanh Xuân) cho biết vừa lấy 50 lượng vàng nhẫn 9999 sau ba ngày đặt tiền. "Thấy vàng miếng SJC lên 80 triệu đồng/lượng, hai vợ chồng tôi quyết định mua. Ai ngờ giá xuống nhanh như vậy. Tính theo mức giá ngày 29-12, tôi bị lỗ khoảng 50 triệu đồng do mua đúng lúc giá vàng đạt đỉnh" - ông Hải buồn rầu nói.
Kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng SJC "một mình một chợ"
Để vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, theo thông lệ quốc tế, ông Đinh Nho Bảng - phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - kiến nghị cần sửa đổi nghị định 24 một cách toàn diện.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước - cơ quan được Chính phủ giao quản lý, giám sát thị trường vàng - cần đánh giá, tổng kết các quy định của nghị định 24 để có đề xuất sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó, quy định vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia cần xem xét bãi bỏ. Vì đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng miếng trong nước "một mình một chợ", chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới.
Chuyên gia Ngô Trí Long cũng kiến nghị cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng. Ông phân tích để chống "vàng hóa" không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Nhà nước cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Người bán đang đẩy rủi ro cho người mua
Trước diễn biến cơn sốt giá vàng trong vài ngày qua, ông Bảng khuyến cáo người dân hết sức thận trọng, tỉnh táo trước quyết định mua vào. Bởi giá vàng miếng SJC lên là do tâm lý tích trữ của một bộ phận người dân.
Việc mua vàng vào lúc giá lên, nhất là khi giá vàng miếng trong nước đang cao rất bất thường tới 15 triệu đồng/lượng, sẽ vô cùng rủi ro.
Với tần suất điều chỉnh giá tới 10 - 20 lần/ngày, ông Long nhận định thị trường vàng miếng SJC trong nước mang nặng tính đầu cơ. Khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng SJC lên đến 3-4 triệu đồng/lượng cho thấy người bán đang đẩy rủi ro về phía người mua.
Sau 10 năm, giá vàng được bán ra ở mức 76 triệu đồng, tức gấp 2,2 lần so với giá cuối năm 2013. Tuy nhiên, mức tăng như 'vũ bão' chỉ tập trung mấy năm COVID-19.