Tháng 11, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) đồng tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững".
Dự diễn đàn có 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.
Nhiều giải pháp gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm nay, bên cạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp thẩm quyền từ 1/7 đến 31/12, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế 10%
Bộ Tài chính đồng thời gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân.
Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 10 khoảng gần 164.000 tỷ đồng.
Trong tháng 10, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm nay. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, các giải pháp chính sách tài chính, ngân sách nhà nước trong thời gian qua khá toàn diện, kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.
Tăng trưởng GDP quý III/2023 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,2%; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực.
"Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, nhiều đề xuất giải pháp đột phá có tính khả thi và giá trị thực tiễn cao. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ những ý kiến, đề xuất để có những đề xuất, tham mưu chính sách và điều hành trong thời gian tới với Chính phủ kịp thời, hiệu quả.
Bình Định từng bước vươn lên phát triển mạnh mẽ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, từ một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục rất khiêm tốn, tỉnh Bình Định đang có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực Duyên hải miền Trung.
Năm nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước tăng hơn 7,6%; GRDP bình quân đầu người đạt gần 78 triệu đồng. Thu ngân sách ước đạt gần 14 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa trừ tiền sử dụng đất đạt 7.500 tỷ đồng, vượt 8,2% dự toán, tăng hơn 5% so cùng kỳ; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 50% GRDP.
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, tỉnh định hướng trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.
Đại diện Liên minh châu Âu (EU) phát biểu trực tuyến cho rằng, 2023 là năm rất khó khăn của tất cả các nước trên thế giới và EU, ảnh hưởng lớn đến các nước có mức tăng trưởng thấp, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang tích cực cải cách, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Liên minh EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam một số chính sách cải cách về năng lượng tái tạo, hỗ trợ tăng cường chính sách tài chính ngân sách, dự án tăng cường quản lý tài chính công, quản lý tài chính từ ngân sách bảo đảm bền vững.