Trước khi Nghị định 137 có hiệu lực, pháo hoa vẫn được bán tràn lan và sử dụng công khai dịp lễ, tết, cưới hỏi, sinh nhật,...
Pháo hoa không nổ vẫn bày bán công khai
Mới đây, Nghị định 137 (thay thế Nghị định 36/2009) đã được thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 11.1.2021. Điều 17, nghị định mới cho phép các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, tế, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên, nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa. Nhưng trước đó, theo ghi nhận của Lao Động, pháo hoa vẫn được bày bán công khai tại các cửa hàng phụ kiện.
Theo đó, pháo hoa được bày bán chủ yếu tại phố Hàng Mã. Trong vai một người tìm mua pháo hoa, phóng viên được anh T.T (tiểu thương cửa hàng phụ kiện trên phố Hàng Mã) giới thiệu loại pháo điện chuyên dùng cho cưới hỏi, sự kiện.
Anh T bật mí, đây là những sản phẩm dễ cháy nổ, cho nên không được bày bán công khai, khách nào có nhu cầu mua mới giới thiệu và cho “xem hàng”.
"Khách nào có nhu cầu thì tôi mới cho xem, bình thường, tôi cũng không bày ra chào hàng".
Theo ghi nhận, loại pháo này được bán theo hộp 10 cái, giá dao động 300.000 – 350.000 đồng/hộp, có xuất xứ từ Trung Quốc. Pháo hoa điện có màu đỏ, chạy bằng pin, cao khoảng 20cm và có thể sáng khoảng 1 phút.
“Loại này bán chạy nhất, giá rẻ, dễ dùng và cháy được lâu. Cứ mùa cưới hỏi hoặc cuối năm, một ngày tôi bán khoảng 50-70 hộp, có khách mua cả thùng", anh T nói.
Cách cửa hàng anh T không xa, phóng viên ghé vào một cửa hàng bán phụ kiện. Tại đây, khi được hỏi loại pháo điện đám cưới, anh H.Đ (tiểu thương bán phụ kiện trang trí trên phố Hàng Mã) nhanh nhảu dẫn chúng tôi vào nhà xem hàng.
“Ở đây nhà nào cũng bán, nhưng bán kín", anh Đ nói và cho hay, sản phẩm này được bán lẻ 300.000 đồng/hộp, nếu mua cả thùng có giá 210.000 – 250.000 đồng/hộp.
Khi được hỏi về việc pháo điện được sử dụng công khai, anh Đ nói thêm: “Trước khi có Nghị định 137, chúng tôi vẫn bán bình thường. Thậm chí ở một số sự kiện có truyền hình trực tiếp, ban tổ chức vẫn sử dụng loại pháo này cho không khí thêm phần hoành tráng, náo nhiệt.
Bây giờ, mặc dù Nghị định mới cho phép mua bán, nhưng thực chất chỉ một số nơi và được cấp phép bởi các tổ chức có thẩm quyền thì mới được bán, giá sẽ cao hơn so với chúng tôi, có nơi bán 700.000 – 800.000 đồng/hộp", anh Đ chia sẻ.
Có thể thấy, trước khi Nghị định 137 được thông qua và có hiệu lực thì pháo hoa vẫn được bày bán rộng rãi, và bất cứ ai có nhu cầu muốn mua cũng có thể tìm được.
Ngoài pháo hoa điện, một số loại pháo khác cũng được nhiều người tìm mua như pháo tên lửa, pháo chuột, pháo xoay, pháo tam giác, pháo giấy...
Hiểu đúng về pháo hoa
Luật sư Lê Minh - Văn phòng Luật sư Thành Sơn và Đồng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, người dân cần phải lưu ý rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137, Nhà nước phân loại pháo bao gồm: Pháo nổ và pháo hoa.
Trong đó, có pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao là các loại pháo nổ, các loại pháo này có thể nổ và thường được Nhà nước tổ chức bắn trong các lễ hội, Tết từ trước đến nay.
Còn “pháo hoa” được Nghị định 137 giải thích là sản phẩm được chế tạo để tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là pháo hoa không gây ra tiếng nổ.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ mà thôi, không phải là các loại pháo hoa được bắn lên trời gây ra tiếng nổ.
Đối với các loại pháo hoa nổ thì phải được quản lý và sử dụng theo quy định trong các ngày cụ thể hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
"Sở dĩ có quy định này là bởi trên thực tế trong các dịp lễ, hội, cưới hỏi ở nước ta thường có các loại pháo hoa nhỏ. Đây là nhu cầu thực tế, nhưng từ trước đến nay chưa có quy định cụ thể cho phép những loại pháo hoa này được lưu thông", luật sư Minh nói.
Xem thêm: odl.205858-neihn-gnagn-nab-nav-pehp-ohc-coud-gnohk-aoh-oahp-tod-coud-nad-iougn/et-hnik/nv.gnodoal