Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng của hầu hết nền kinh tế hàng đầu. Sự gia tăng gần đây về ca nhiễm trên khắp Bắc bán cầu đã dẫn đến những hạn chế mới đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và sự thận trọng của người tiêu dùng.
Tổ chức này dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm 2021. Vào tháng 9, khi công bố dự báo hàng quý gần nhất, họ kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 5%. OECD cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ từ 4% xuống 3,2% và khu vực đồng euro từ 5,1% xuống 3,6%, trong khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc là 8%.
Theo tổ chức này, hạn chế của các chính phủ và nỗi sợ lây nhiễm của người tiêu dùng cũng sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, ngay cả khi việc phát triển vaccine mang lại hy vọng chấm dứt đại dịch.
Những dự báo đó dựa trên những gì bà Laurence Boone, Nhà kinh tế trưởng của OECD, nói là quan điểm "thận trọng" về năng lực logistics trong việc sản xuất và phân phối vaccine, cũng như mức độ tiếp nhận của những người có thể nghi ngờ về tính an toàn.
OECD cho rằng các chính phủ phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của mình để đảm bảo tốc độ phục hồi hoạt động trước đại dịch. "Không giống như việc chúng ta tiêm vaccine và trong một tháng, mọi thứ (hoạt động kinh tế) có thể trở lại bình thường", Laurence Boone, Nhà kinh tế trưởng của OECD nói.
Ngoài ra, dù triển vọng về vaccine đã thúc đẩy hy vọng chấm dứt thời kỳ suy thoái do đại dịch gây ra. Nhưng trước hết, nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt với một mùa đông dài và khó khăn.
Tại Mỹ, các công ty sản xuất tiếp tục báo cáo có tăng trưởng hoạt động trong tháng 11, theo cuộc khảo sát PMI công bố hôm 1/12, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ bảy liên tiếp sau sự suy giảm vào đầu đại dịch.
Khảo sát của IHS Markit thì cho kết quả PMI Mỹ ở mức 56,7 trong tháng 11, tăng từ 53,4 trong tháng trước. Các chỉ số trên 50 phản ánh hoạt động đang mở rộng, trong khi dưới 50 cho thấy tín hiệu co lại.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng đã giảm trong tháng 11 xuống 57,5 từ 59,3 trong tháng 10. "Có một số lo ngại trong báo cáo ở đây về nhu cầu trong tương lai", Tim Fiore, người giám sát cuộc khảo sát của ISM cho biết. Ông trích dẫn các yếu tố như kỳ nghỉ lễ sắp tới và các vấn đề liên quan đến đại dịch, bao gồm cả sự vắng mặt của công nhân và sự mệt mỏi do đại dịch.
OECD cho biết tốc độ phục hồi toàn cầu sẽ tiếp tục không đồng đều giữa các quốc gia. Trong quý cuối cùng của năm 2021, sản lượng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ cao hơn 9,7% so với trong ba tháng cuối năm 2019. Ngược lại, sản lượng kinh tế của Argentina được dự báo thấp hơn 8%.
Sản lượng của Mỹ dự kiến phục hồi về mức trước đại dịch vào thời điểm đó, nhưng sản lượng của khu vực đồng euro dự kiến thấp hơn 3% và của Vương quốc Anh giảm 6,4% so với quý cuối cùng của năm ngoái.
Theo OECD, khi nền kinh tế thế giới phục hồi, Trung Quốc sẽ trở thành người chiến thắng lớn, chiếm tới một phần ba mức phục hồi của năm tới. Trong khi đó, các nước phương Tây từ từ rũ bỏ ảnh hưởng của mình qua các đợt suy giảm kỷ lục trong năm 2020.
Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 mức tăng sản lượng kinh tế toàn cầu trong năm tới. Bà Boone nói rằng đại dịch dường như đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế. "Có một sự tái cân bằng trong nền kinh tế toàn cầu", bà nói.
OECD cho biết triển vọng thế giới vẫn không chắc chắn. Việc triển khai vaccine nhanh hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 5% vào năm 2021 và 5,5% vào năm 2022. Còn nếu việc triển khai chậm hơn thì kinh tế sẽ tăng trưởng yếu, chỉ đạt 1,45% vào năm tới và 2,2% vào năm 2022.
Tổ chức này kêu gọi các chính phủ tiếp tục giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp khó khăn nhất và cung cấp các biện pháp kích thích trên diện rộng để thúc đẩy nhu cầu và tăng tốc độ phục hồi.
Bà Boone cho biết các dự báo của OECD dựa trên giả định rằng có các biện pháp kích thích tài khóa mới ở cả Mỹ và châu Âu. Và nếu thực sự không có thì sẽ giáng một đòn mạnh vào sự tự tin về khả năng phục hồi. "Sẽ rất yên tâm cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khi biết chúng ta đã rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng vừa qua", bà nói.
Phiên An (theo WSJ)