Minh Khánh (giữa), sinh viên ĐH Công nghệ (HUTECH), tranh thủ thời gian không đến trường để về quê Đắk Nông thăm gia đình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đến chiều 3-12, hơn 10 trường đại học ở TP.HCM đã thông báo cho sinh viên nghỉ học đến hết ngày 6-12 hoặc chuyển sang học online trong 1-2 tuần tới. Hầu hết các trường chuyển trạng thái dạy học này đều có sinh viên là F1 hoặc F2 của các bệnh nhân 1342, 1347 và 1349.
Chuyển sang học online
Sáng 3-12, một nhóm sinh viên cùng quê huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đang học năm nhất tại một số trường đại học ở khu vực quận Thủ Đức (TP.HCM) bắt đầu ra bến xe đón xe về quê tránh dịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhóm sinh viên này cho biết dù nhà trường thông báo chỉ cho nghỉ hết tuần này và tùy tình hình dịch sẽ thông báo có cho nghỉ tiếp hay không, nhưng một số bạn vẫn quyết định đón xe về quê.
TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay chiều 3-12 nhà trường mới thông báo cho sinh viên nghỉ học 2 ngày cuối tuần và sẽ chuyển sang học online trong 2 tuần tới.
Theo kế hoạch, đợt thi giữa kỳ của sinh viên khóa 2020 tại trường này sẽ diễn ra vào tuần sau, nhưng trường đã quyết định dời lại.
"Việc học online trong 2 tuần tới cũng áp dụng chủ yếu với các môn lý thuyết, phần thực hành sinh viên vẫn phải học trong điều kiện thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định. Do vậy, số sinh viên về quê lúc này nếu có cũng chỉ vài em ở các tỉnh lân cận TP.HCM", ông Khoa nói.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhà trường đã ra thông báo cho tạm nghỉ học là tối 2-12, kèm theo khuyến cáo sinh viên hạn chế di chuyển.
"Cộng với thời gian nghỉ học theo thông báo hiện tại là đến ngày 6-12 nên khả năng số lượng sinh viên về quê cũng không nhiều", ông Quốc Anh nhận định.
Khuyến cáo sinh viên hạn chế di chuyển
ThS Văn Chí Nam - phó trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết từ ngày 7-12, trường sẽ chuyển các học phần lý thuyết sang hình thức trực tuyến, các học phần thực hành sẽ được giãn cách khi giảng dạy.
Riêng các học phần đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến từ ngày 2-12 thuộc khoa công nghệ thông tin phụ trách vẫn tiếp tục giảng dạy theo kế hoạch.
"Sinh viên các khoa vẫn phải đi học. Việc học online đợt này có thể chỉ trong ngắn hạn vì tình hình dịch không quá phức tạp, có thể tuần sau học tập trung trở lại. Một số sinh viên có ý định về quê nhưng sau khi giảng viên và các bộ phận hỗ trợ của khoa khuyên nên các bạn vẫn ở lại học tập bình thường", ông Nam chia sẻ.
Theo TS Lê Trung Đạo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, trường chỉ mới thông báo cho nghỉ học từ ngày 2-12 đến hết 5-12. Có thể một số sinh viên nghĩ trường sẽ dạy online nên tranh thủ về quê, nhưng nhà trường vẫn chưa có thông báo cụ thể về việc dạy online.
"Chúng tôi đã yêu cầu các khoa, Đoàn - Hội sinh viên trường thông báo nhắc nhở sinh viên hạn chế rời TP.HCM trong thời điểm này nếu không có việc cần thiết và phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19", ông Đạo nói.
TS Trần Tiến Khoa cũng cho biết Trường ĐH Quốc tế đã được các cơ quan y tế hướng dẫn cụ thể về các biện pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19, trong đó có khuyến cáo việc hạn chế di chuyển từ địa phương đang có dịch sang địa phương khác để tránh nguy cơ lây lan, bùng phát dịch.
"Chiều 3-12 chúng tôi đã yêu cầu tất cả lãnh đạo các khoa trong trường cảnh báo sinh viên không được tự ý về quê trong thời điểm này", ông Khoa cho biết.
* Bác sĩ Trần Văn Khanh (giám đốc Bệnh viện quận 2, TP.HCM):
Tránh cho sinh viên nghỉ học về quê
TP.HCM là nơi đang có dịch COVID-19 với việc xuất hiện một số ca nhiễm trong cộng đồng, nên nếu sinh viên đổ xô về các tỉnh sẽ tạo yếu tố nguy cơ lây lan dịch rất cao. Do vậy cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cho sinh viên nói riêng và người dân biết rằng việc để lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là chuyện lớn hơn tất cả nhu cầu cá nhân khác.
Các trường cần triển khai cho sinh viên học trực tuyến lý thuyết, thực hành chia nhóm nhỏ đảm bảo phòng chống dịch, đảm bảo chương trình học, tránh việc cho sinh viên nghỉ học và về quê, hạn chế ra khỏi thành phố trong lúc này.
Theo dõi sức khỏe người trở về từ TP.HCM
Rất đông sinh viên xếp hàng đo thân nhiệt để đón xe về quê tránh dịch tại bến xe Miền Đông (ảnh chụp chiều 3-12) - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ngày 3-12, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ - cho biết đang yêu cầu các địa phương rà soát, đưa vào danh sách theo dõi sức khỏe tại nhà với những người ở địa phương đã từng đến các địa điểm theo thông báo của CDC TP.HCM.
Riêng tại khu vực bến xe, CDC TP Cần Thơ đã phối hợp với ngành giao thông vận tải kiểm soát bắt buộc việc đeo khẩu trang.
Với các chuyến xe từ TP.HCM về, nhà xe cũng yêu cầu hành khách khai báo y tế trên phần mềm điện thoại di động để dễ dàng kiểm tra, truy vết khi cần thiết.
Trước đó, UBND TP Cần Thơ đã có công văn gửi các sở, ngành liên quan, yêu cầu siết chặt các biện pháp an toàn trong khu vực cách ly tại địa phương, khu do quân đội quản lý, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong việc cách ly phòng dịch COVID-19 tại đơn vị mình phụ trách.
Theo bác sĩ Trần Văn Khải - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Sóc Trăng, địa phương này cũng đang rà soát, nắm danh sách sinh viên trở về từ TP.HCM để theo dõi, xử lý kịp thời.
"Ngay từ sáng 3-12, các địa phương đã liên hệ trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố nắm danh sách sinh viên từ thành phố trở về, từ đó theo dõi sức khỏe, tư vấn để có phản ứng kịp thời", bác sĩ Khải nói.
Bác sĩ Ngô Văn Tán - giám đốc Sở Y tế Bến Tre - cho biết ngành y tế địa phương đã thành lập các tổ kiểm tra để nắm tình hình.
Cơ quan chức năng cũng được giao nhiệm vụ nắm bắt kịp thời những trường hợp đi về từ vùng dịch và vận động tự cách ly ở nhà, thực hiện khai báo y tế.
"Một trường hợp có mặt tại một trong các địa điểm mà ca nhiễm bệnh ở TP.HCM đến đã được cách ly tại Bệnh viện huyện Chợ Lách để theo dõi", ông Tán nói.
Tại Tiền Giang, một ca F1 của bệnh nhân 1347 đã được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, bước đầu có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Với những trường hợp có tiếp xúc với ca F1 này, địa phương đã vận động cách ly tại nhà.
T.LŨY - K.TÂM - M.TRƯỜNG
Ngày 3-12, ông Nguyễn Trung Kiên - hiệu trưởng Trường đại học Y dược Cần Thơ - cho hay vừa có công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ, báo cáo về trường hợp 5 sinh viên trong đoàn báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học của trường đã đến một số địa điểm có ca F1 và địa điểm nơi bệnh nhân COVID-19 từng đến tại TP.HCM.
Theo đó, từ ngày 25 đến 27-11, các sinh viên này đã đến Đại học Sư phạm TP.HCM (nơi có ca F1 đã công bố) và có ăn trưa tại Kichi Kichi trong trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (nơi bệnh nhân 1347 từng đến).
5 sinh viên này đã được nghỉ học và yêu cầu cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe báo về ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 của trường hằng ngày.
T.LŨY
TTO - Trong quy định của Bộ Y tế hiện nay về truy vết, xử trí các ca tiếp xúc với người bệnh COVID-19 chỉ dừng ở F1, F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình là F3, F4, F5 và F… là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Xem thêm: mth.98161708040210202-hcid-hnart-euq-ev-od-neiv-hnis/nv.ertiout