Đài ABC News (Úc) ngày 3-12 đưa tin chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang tăng cường sự hiện diện của Hải quân Mỹ trên các tuyến đường biển quan trọng ở Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tới khu vực phía bắc Úc nhằm ngăn chặn bất kỳ sự bành trướng nào của Trung Quốc.
Phát biểu trước Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite tuyên bố hải quân nước này sẽ cải tổ Hạm đội 1 lần đầu tiên sau hơn bốn thập niên.
Ông Braithwaite cho biết động thái này nhằm “tăng cường vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chịu trách nhiệm chính tại khu vực Ấn Độ Dương và Nam Á với tư cách một hạm đội viễn chinh”.
“Điều này sẽ trấn an các đối tác và đồng minh về sự hiện diện và cam kết của Mỹ tại khu vực, đồng thời đảm bảo rằng mọi đối thủ tiềm tàng đều biết chúng ta nỗ lực hiện diện trên toàn cầu nhằm duy trì luật pháp và tự do hàng hải” - ông Braithwaite nói.
Mỹ khôi phục Hạm đội 1 sau hơn 40 năm nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Hạm đội 1 sẽ cung cấp thêm nhiều tàu và binh sĩ tới vùng biển ngoài khơi Đông Nam Á và phía Tây Ấn Độ Dương, bao gồm eo biển Malacca - nơi trung chuyển lượng lớn hàng hóa và dầu khí của khu vực.
Hạm đội sẽ sử dụng luân phiên tàu và nhân viên thuộc lực lượng hải quân, nhiều khả năng từ Hạm đội 7 đóng quân tại Nhật.
Ông Braithwaite nhấn mạnh Hạm đội 1 sẽ không nhất thiết phải đóng quân tại một địa điểm cố định trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Hạm đội 1 sẽ viễn chinh. Chúng tôi vẫn đang xác định xem hạm đội này nên bắt đầu hoạt động từ đâu" - ông Braithwaite cho biết.
Mặc dù là lực lượng viễn chinh song Hạm đội 1 vẫn sẽ cần hỗ trợ từ các đồng minh. Điều này đặt ra câu hỏi cho các quốc gia trong khu vực về mức độ sẵn sàng của họ trong việc quen với sự hiện diện ngày càng mở rộng và thường xuyên hơn của Hải quân Mỹ.
ABC News dẫn lời nhà phân tích quốc phòng cấp cao Derek Grossman của Viện chính sách Rand Corporation đồng ý rằng Mỹ có những lý do chiến lược chính đáng để hiện diện quân sự thường xuyên hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Grossman nhận định Mỹ cần phối hợp với Ấn Độ và các nước cùng chí hướng khác như Úc và Nhật để tăng cường tuần tra khu vực này nhằm bảo vệ các tuyến đường biển này trước nguy cơ can thiệp của Trung Quốc.
Ông cũng cho rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện Hải quân sẽ khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an hơn về tình hình mới tại eo biển Malacca, bởi nước này có nỗi sợ hãi thường trực rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, họ có thể bị Mỹ phong tỏa nguồn cung dầu và các tài nguyên quan trọng khác.
Ông Grossman chia sẻ "quyết định này của chính quyền ông Trump là hơi muộn. Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ đảo ngược quyết định trên. Hãy xem liệu nó có tiếp tục được duy trì trong năm 2021 hay không".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục xoay trục quân sự về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tín hiệu tái khẳng định với các đồng minh và Trung Quốc rằng tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông và các khu vực khác sẽ không bị phớt lờ.
Hải quân Mỹ có sáu hạm đội “được đánh số” với mục đích chống lại các mối đe dọa đối với người dân Mỹ và lợi ích chung của thế giới.
Trong nhiều lần thay đổi các ưu tiên quân sự của mình, Hải quân Mỹ đã không sử dụng đến Hạm đội 1 kể từ năm 1973.