vĐồng tin tức tài chính 365

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Cải cách hành chính ngành Ngân hàng đạt được những kết quả tích cực trên tất

2020-12-07 13:53

Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, bài bản

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, công tác CCHC của NHNN giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai đồng bộ, bài bản và đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Qua 8 năm đánh giá Chỉ số CCHC (Par Index), có 5 năm liên tiếp gần đây, NHNN là cơ quan duy nhất liên tục xếp thứ nhất trong số 19 Bộ, cơ quan. Kết quả nổi bật này là minh chứng của sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Ngân hàng.

Ngành Ngân hàng đã căn bản hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về quản lý hoạt động ngân hàng, tiền tệ đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự phát triển của ngành Ngân hàng và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Điển hình như các thể chế, pháp luật về chuẩn mực an toàn trong hoạt động của hệ thống các TCTD, quản lý ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ, thị trường vàng... Nhờ đó, khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất - kinh doanh, khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn.

NHNN là một trong những cơ quan đi đầu trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngay từ giai đoạn triển khai Đề án 30, NHNN là cơ quan đầu tiên công bố Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa 147/213 TTHC (đạt 70%). Từ năm 2018 đến nay, 29% điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa; đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí đối với doanh nghiệp và người dân. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục giải quyết công việc, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

image

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại Hội nghị

Những kết quả trên của NHNN góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, cụ thể: Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam hiện xếp thứ 25/190 nền kinh tế, là chỉ số xếp thứ hạng cao nhất trong số 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh, xếp thứ 2 trong ASEAN (chỉ sau Brunei). Đây là một điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của NHNN đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, cơ cấu tổ chức của NHNN được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất với các đầu mối cấp Vụ, cục và tương đương được tinh gọn. Về số lượng đầu mối cấp phòng, mặc dù số lượng đầu việc tăng, nhưng NHNN đã cắt giảm 74 phòng trong toàn hệ thống. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng giảm từ 11 đầu mối xuống còn 08 đầu mối; tổ chức phòng thuộc Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng giảm 18 phòng, từ 48 xuống còn 30. Giai đoạn 2015 - 2019, NHNN đã thực hiện tinh giản biên chế 385 người theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.

NHNN đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hình thành nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế về hoạt động ngân hàng; đã thực hiện tuyển dụng bằng phương thức điện tử, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan trong công tác thi tuyển để nâng cao chất lượng đầu vào của cán bộ, công chức.

Đội ngũ công chức, viên chức đã có những thay đổi tư duy và nhận thức đối với vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Công tác tài chính, kế toán ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ về tài chính. Việc quản lý, điều hành ngân sách ngày càng sát với thực tế, bảo đảm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.

NHNN cũng là một trong những bộ, cơ quan đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), ứng dụng công nghệ thông tin để điện tử hóa, đồng bộ các hoạt động điều hành, tác nghiệp hành chính. Đặc biệt, từ nhiều năm nay hệ thống thanh toán điện tử đã hình thành, phục vụ cho hầu hết các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng các dịch vụ, tiện ích ngân hàng điện tử. NHNN đã ban hành đồng bộ chính sách, chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, an ninh, an toàn thông tin và triển khai đạt được nhiều kết quả tích cực, đã ban hành Kiến trúc CPĐT; đã có 61/348 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai; tích cực tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, đã triển khai tích hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu của 08 chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ các phương thức hoạt động kinh tế - xã hội theo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, nhất là từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ số, chú trọng vấn đề bảo đảm an ninh an toàn các dịch vụ ngân hàng để phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu người dân.

Sáu nhiệm vụ về cải cách hành chính đặt ra cho ngành Ngân hàng

Về triển khai phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ban Lãnh đạo NHNN tập trung chỉ đạo Ngành tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nhiệm vụ CCHC trọng tâm và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường, thúc đẩy đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, kiến tạo môi trường kinh doanh. Trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, coi đây là động lực, giải pháp để hoàn thành những mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hiện đại hóa hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của NHNN và phát triển hệ thống các TCTD minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, phục vụ đắc lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn tới.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống pháp luật ngân hàng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng và tiền tệ trong giai đoạn tới. Tập trung vào đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật Phòng chống rửa tiền... Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định về xử lý nợ xấu; về ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại...

Ba là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 27/01/2018 về Chương trình hành động của Chinish phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh cải cách tài chính công, triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ về tài chính đối với từng loại hình tổ chức.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính như: Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...; Tổ chức triển khai xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, gắn kết chặt chẽ với CCHC, nhất là thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Tập trung triển khai, hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT đến năm 2025. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Sáu là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả Chỉ số CCHC trong theo dõi, đánh giá; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan của ngành ngân hàng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải CCHC....

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm qua, với quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng, NHNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhóm phóng viên Cổng TTĐT NHNN

Xem thêm: 787524VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Cải cách hành chính ngành Ngân hàng đạt được những kết quả tích cực trên tất ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools