Nhiều người gần đây đã sập bẫy lừa đảo mất tài khoản Facebook. Đối tượng sau đó dùng chính tài khoản này đi lừa những người trong danh sách bạn bè (friend list).
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những bẫy lừa đảo giăng khắp trên không gian mạng hiện nay.
Một số chiêu lừa mới phát sinh còn tinh vi hơn. Chị T, một nhân viên văn phòng tại Quận 1, TP.HCM có mở shop bán hàng online trên một sàn thương mại điện tử. Cuối tháng 11 vừa qua, một khách hàng vào shop mua hàng. Nhưng sau đó vị khách này báo lại với chị T (chủ shop) rằng không thể thực hiện chuyển tiền được vì tài khoản ngân hàng của chị gặp trục trặc, đồng thời gửi cho chị T. một đường link bảo chị truy cập vào tài khoản ngân hàng xem có được hay không.
Chị T. vừa mừng vì có khách mua hàng của mình, thậm chí vị khách còn thể hiện cho thấy quyết tâm mua qua việc mong muốn thanh toán cho xong, nên chị T. đã có phần chủ quan khinh suất.
Không ngờ chỉ sau vài phút sau khi chị T. đăng nhập vào đường link với thông tin tài khoản ngân hàng của mình thì hơn 20 triệu đồng trong tài khoản cũng bay biến. Hốt hoảng, chị T. gọi lên đường dây nóng của ngân hàng nhờ xác minh thông tin về đối tượng thì ngân hàng từ chối, vì cho rằng không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Sau khi nghe chị T. giải thích lí do nhờ hỗ trợ, tổng đài viên của ngân hàng còn cho biết rằng đã có nhiều trường hợp khách hàng bị như chị nhờ xác minh thông tin nhưng cũng bị từ chối.
Một trường hợp khác, anh S. rao bán một máy tính xách tay trên trang Chợ Tốt. Anh S. rao bán vào đêm hôm trước thì ngay sáng hôm sau có một tài khoản nick William chat với anh bằng tiếng Anh trên Zalo. Đối tượng cho rằng mình đang ở Mỹ, muốn mua chiếc laptop gửi tặng mừng sinh nhật người bạn ở Sài Gòn. Từ đó, đối tượng đưa ra các yêu cầu như muốn xem ảnh món hàng, khen nức nở, rồi xác lập giá mua, nhờ chuyển tới địa chỉ người bạn và hứa sẽ chuyển khoản trước.
Sau đó, đối tượng lại đưa ra tiếp yêu cầu kết bạn để tạo lòng tin nhưng thực chất tài khoản của đối tượng chẳng có thông tin gì để xác thực. Tiếp tới đối tượng yêu cầu người bán cho thông tin về tài khoản ngân hàng (tên tài khoản, số tài khoản), email và hứa sẽ chuyển tiền ngay sau 20 phút.
Tuy nhiên cũng ngay sau đó, đối tượng nại lí do rằng ngân hàng đòi một khoản phí dịch vụ chuyển tiền nhanh 3,5 triệu đồng đối với khoản thanh toán tiền mua máy hơn 1.000USD.
“Ngân hàng sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện chuyển khoản 3,5 triệu đồng để bạn có thể được nhận ngay lập tức số tiền chuyển khoản của tôi. Nếu bạn không thực hiện, số tiền của tôi chuyển sẽ bị giữ lại tại ngân hàng bạn của tôi ạ”, đối tượng William viết.
Thấy anh S. im lặng, đối tượng tiếp tục “tấn công”: “Tôi sẽ chuyển tiền cho bạn trước, ngân hàng sẽ thông báo đến email của bạn cho biết tôi đã chuyển tiền, sau đó sẽ hướng dẫn bạn cách chuyển 3,5 triệu đồng trước cho họ để họ chuyển cho bạn số tiền tôi đã trả cho việc mua chiếc laptop”.
Anh S. cho biết, đây là chiêu thức lừa đảo mới, đối tượng cất công “săn mồi” trên các trang bán hàng, với đích ngắm cụ thể, và thể hiện rất bài bản lớp lang trong chiêu lừa. Ngay cả việc từ số điện thoại anh để lại cho khách liên lạc mua hàng, cũng được đối tượng dùng để tìm ra trang Zalo cá nhân qua đó liên hệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Xem thêm: odl.623168-gnud-iougn-tiht-cuhc-ohc-gnam-nert-iom-oad-aul-ueihc-meht/et-hnik/nv.gnodoal