Cổ phiếu lên đỉnh - hàng loạt cổ đông lớn thoái vốn
Triêu Dương
(TBKTSG) - Giai đoạn thị trường lao dốc trong tháng 3 chứng kiến hàng loạt động thái đăng ký mua vào của cổ đông nội bộ các doanh nghiệp, góp phần đẩy giá cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ kể từ đó đến nay. Giờ đây, khi cổ phiếu liên tục lập đỉnh cao mới, các cổ đông này bán ra với số lượng lớn hoặc thoái sạch vốn. Đây là diễn biến cần chú ý.
VN-Index cũng đã bứt phá mốc tâm lý 1.000 điểm và tiến về vùng kháng cự 1.025-1.030 điểm, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11-2019 đến nay. Ảnh: THÀNH HOA |
Hàng loạt cổ phiếu thiết lập đỉnh cao mới
Sau khi tăng 8,5% trong tháng 11, chỉ số VN-Index bất ngờ điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch ngày 1-12 trước thông tin có ca lây nhiễm Covid-19 mới tại TPHCM. Tuy nhiên, thị trường sau đó nhanh chóng phục hồi để tiếp tục duy trì đà đi lên vững chắc trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12 với mức tăng 3,3%. Hiện tại VN-Index đã bứt phá mốc tâm lý 1.000 điểm và tiến về vùng kháng cự 1.025-1.030 điểm, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11-2019 đến nay.
Đi kèm với điểm số tăng tích cực là thanh khoản thị trường cũng liên tục lập những kỷ lục mới. Thống kê cho thấy giá trị giao dịch trung bình trong tháng 11 đạt hơn 10.128 tỉ đồng/phiên trên cả ba sàn, tăng 3,5% so với tháng 10 và tăng đến 93,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng trên sàn HOSE, giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh đạt trung bình 8.770 tỉ đồng/phiên, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó không ít phiên thường xuyên chứng kiến thanh khoản vượt mốc 10.000 tỉ đồng, gồm cả giao dịch thỏa thuận.
Thống kê cho thấy tính từ mức đáy vào cuối tháng 3, đã có đến 443 cổ phiếu phục hồi hơn 50% trên cả ba sàn, trong số này có gần 170 mã tăng từ 100% trở lên, đánh dấu chuỗi tăng điểm ấn tượng và mạnh mẽ nhất trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, khi giá nhiều cổ phiếu càng leo cao, càng có nhiều cổ đông lớn đăng ký bán ra với số lượng lớn, khiến không ít nhà đầu tư bắt đầu e ngại. |
Dòng tiền từ các nhà đầu tư F0, từ kênh tiền gửi ngân hàng chuyển dịch sang, từ dòng vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đã góp phần đẩy thị trường đi lên trong suốt hơn tám tháng qua.
Cập nhật từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, trong tháng 11 nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở 41.080 tài khoản mới, tăng 4.734 đơn vị so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng, nhà đầu tư cá nhân mở 329.452 tài khoản, cao hơn 75,4% so với lượng mở mới của cả năm 2019 là 187.825 tài khoản.
Song song đó, dòng tiền của khối ngoại sau giai đoạn bán ròng suốt từ đầu năm đã bắt đầu đảo ngược mua ròng trở lại từ nửa cuối tháng 11 cho đến nay, càng góp phần thúc đẩy chỉ số và giúp tâm lý thị trường vững chắc hơn khi tiếp cận vùng kháng cự hiện nay.
Riêng trong tuần trước, nếu loại trừ khối lượng giao dịch thỏa thuận của khối ngoại tại mã DIG, nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục mua ròng hơn 1.600 tỉ đồng. Cập nhật từ VSD cũng cho thấy trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mở 294 tài khoản chứng khoán mới, tăng khoảng 8,5% so với tháng 10.
Theo đó, số lượng cổ phiếu bứt phá và liên tục lập đỉnh cao mới cũng ngày càng tăng. Thống kê cho thấy, tính từ mức đáy vào cuối tháng 3, đã có đến 443 cổ phiếu phục hồi hơn 50% trên cả ba sàn, trong số này có gần 170 mã tăng từ 100% trở lên, đánh dấu chuỗi tăng điểm ấn tượng và mạnh mẽ nhất trong hơn hai năm qua.
Tuy nhiên, khi giá nhiều cổ phiếu càng leo cao, càng có nhiều cổ đông lớn đăng ký bán ra với số lượng lớn, khiến không ít nhà đầu tư bắt đầu e ngại.
Cổ đông lớn bắt đầu bán ra
Thép là một trong những ngành có cổ phiếu tăng mạnh mẽ nhất trong tháng 11 vừa qua, với cổ phiếu của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG) là động lực dẫn dắt chính, khi liên tục lập đỉnh cao mới và đạt mức giá cao nhất tại 38.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 24-11 vừa qua, gấp 2,9 lần mức đáy vào cuối tháng 3.
Tuy nhiên, cũng trong ngày này, quỹ PENM III Germany GmbH &Co. KG (Đức) đã đăng ký bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ 2,31% vốn của doanh nghiệp này, dự kiến thực hiện từ ngày 27-11 đến 25-12. Hệ quả là cổ phiếu HPG đã bước vào giai đoạn điều chỉnh từ đó đến nay.
Một ông lớn khác trong ngành thép là Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đang nằm ở vùng giá cao nhất trong gần ba năm qua tại mốc 19.000 đồng/cổ phiếu, mức giá gấp 4,5 lần so với mức đáy trong năm nay. Và sau khi đã thoái tổng cộng 65 triệu cổ phiếu HSG trong 6 tháng qua, cũng là giai đoạn mà HSG liên tục tăng giá, Công ty TNHH tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - công ty riêng của Chủ tịch HSG là ông Lê Phước Vũ, tiếp tục đăng ký bán ra 43,1 triệu cổ phiếu còn lại tại đây, dự kiến được thực hiện từ ngày 4-12-2020 đến 2-1-2021. Nếu thương vụ thành công, Đầu tư Hoa Sen sẽ không còn là cổ đông tại HSG.
Hay như tại Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG), cổ phiếu đã tăng giá hơn 55% từ đầu tháng 11 đến nay và tăng hơn gấp 3 lần trong chín tháng qua, cũng chứng kiến cổ đông ngoại thoái vốn liên tục. Trong phiên ngày 23-11, nhóm quỹ thuộc Korea Investment Management Co Ltd đã bán ra hơn 1,47 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,53% xuống còn 4,68%. Trước đó, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu NKG, qua đó chấm dứt khoảng thời gian ba năm đóng vai trò cổ đông lớn tại đây.
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) trong ngày 2-12 đã trải qua một phiên lịch sử với hơn 160,1 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, trị giá hơn 3.440 tỉ đồng, trong đó khả năng cổ đông lớn là nhóm quỹ Dragon Capital đã thoái sạch 69,2 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng với tỷ lệ sở hữu gần 22%.
Trước đó vào tháng 10, Chứng khoán Bản Việt cũng đã bán ra 29,4 triệu cổ phiếu và cổ đông ngoại là Taekwang Vina Industrial bán ra 28,2 triệu cổ phiếu DIG, khi cổ phiếu này từ tháng 8 đến nay đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 27.000 đồng, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, song song việc cổ đông ngoại thoái vốn, DIG cũng vừa đón nhận cổ đông lớn mới là CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam, sau động thái gom 68 triệu cổ phiếu trong phiên 2-12 lịch sử vừa qua.
Nhóm quỹ Dragon Capital cũng là tổ chức tích cực thoái vốn trong thời gian gần đây. Ngoài thương vụ tại DIG kể trên, quỹ Amersham Industries Limited đã bán 1 triệu cổ phiếu Ngân hàng Quân đội (MBB) trong phiên 30-11, giao dịch khiến cả nhóm 12 quỹ liên quan Dragon Capital giảm tỷ lệ sở hữu về 4,97% và không còn là cổ đông lớn.
Ngoài ra, trong ba phiên từ 30-11 đến 2-12, nhóm quỹ Dragon Capital còn bán ra hơn 1,9 triệu cổ phiếu FPT Retail (FRT), giảm tỷ lệ sở hữu về 8,6%. Tính từ giữa tháng 11 đến nay, quỹ ngoại này đã bán ra tổng cộng khoảng 3,7 triệu đơn vị, tương đương 4,65% vốn FRT.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến không ít thương vụ chính các thành viên ban điều hành của doanh nghiệp bán ra với số lượng lớn hoặc thoái sạch vốn. Việc các cổ đông lớn, thành viên ban điều hành của doanh nghiệp bán ra với số lượng lớn hoặc thoái sạch vốn là diễn biến đáng lo ngại.
Đây rõ ràng là một tín hiệu rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh thị trường đã tăng nóng thời gian qua. Thực tế thống kê cho thấy không chỉ chỉ số VN-Index đang ở vùng quá mua suốt từ giữa tháng 11 đến nay.
Theo chỉ số sức mạnh tương đối RSI - một chỉ báo phân tích kỹ thuật đo lường mức độ thay đổi giá, nếu nằm trên mốc 70 được xem là quá mua và dưới 30 là quá bán, trên cả ba sàn hiện nay cũng đang có đến 350 cổ phiếu đang ở vùng quá mua với RSI trên 70, một con số thật sự đáng chú ý.
Xem thêm: lmth.nov-iaoht-nol-gnod-oc-taol-gnah--hnid-nel-ueihp-oc/625113/nv.semitnogiaseht.www