Hôm nay (12-12), Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) mở hội nghị toàn quốc, quy mô lớn nhất từ trước tới nay, để tổng kết công tác PCTN từ khi BCĐ được kiện toàn, tổ chức lại theo mô hình trực thuộc Bộ Chính trị thành lập, do Tổng bí thư làm trưởng BCĐ (từ năm 2013).
Một điều mà bất cứ người dân nào cũng cảm nhận rõ là không khí nóng bỏng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người nhóm “lò”. Các con số thống kê mà các ban, bộ, ngành trung ương nêu ra đã cho thấy điều đó.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTN, chủ trì cuộc họp Thường trực BCĐ ngày 25-11. Ảnh: TTXVN
2.550 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái
Riêng công tác kiểm tra Đảng, từ sau Đại hội XII đến nay, cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 2.550 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Trong số này hơn 110 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, bao gồm 27 ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị (cả nghỉ hưu và đương chức). Con số này là đặc biệt lớn so với nhiệm kỳ Đại hội XI, chỉ xử lý 11 trường hợp thuộc diện trung ương quản lý và không có cấp ủy viên trung ương nào.
Công tác thanh tra, kiểm toán đã đột phá vào nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn như dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên, phân đạm hóa chất Hà Bắc, AVG mua bán cổ phần MobiFone, các dự án liên quan đến Công ty CP Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), ethanol Bình Phước, xơ sợi Đình Vũ… Qua đó đều phát hiện dấu hiệu tội phạm để chuyển cơ quan điều tra.
Số vụ án, bị can khởi tố về các tội tham nhũng từ sau Đại hội XII tăng liên tục qua các năm: 2016 là 142 vụ/335 bị can; 2017 lên 202 vụ/438 bị can; 2018 tăng tiếp, tới 279 vụ/554 bị can; 2019 giảm một chút, còn 220 vụ/515 bị can thì năm 2020 lên 290 vụ/616 bị can.
Đây là điểm khác biệt rất lớn so với trước đó: Sau khi Luật PCTN 2005 được ban hành, số vụ việc được khởi tố mới qua các năm trồi sụt và có xu hướng giảm, trong lúc các chỉ số cảm nhận về tham nhũng ở Việt Nam lại ở mức tiêu cực.
Tổng kết công tác PCTN lần này không phải chỉ là thống kê các con số, mà như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu là cần phân tích nguyên nhân, bài học.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng Khoa học các ban đảng trung ương, cho rằng các con số nêu trên là kết quả của quá trình vận động, càng làm càng quen việc, càng nhuần nhuyễn.
Được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN năm 2008, đến năm 2017 nghỉ quản lý ở cương vị phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Tuấn chứng kiến những kỳ vọng cũng như lúng túng ban đầu của BCĐ do Quốc hội thành lập theo Luật PCTN 2005.
Thời ấy, văn phòng BCĐ, dù được quy định là cơ quan tham mưu, giúp việc cho BCĐ nhưng vẫn mang tiếng “văn phòng”. Chưa kể bộ máy, con người thì mới mẻ, với một phần lực lượng từ Ban Nội chính Trung ương khi giải thể theo chủ trương giảm bớt các ban đảng.
“BCĐ thì kiêm nhiệm, phải dựa nhiều vào bộ phận chuyên trách là văn phòng. Mà hiệu quả tham mưu, giúp việc của văn phòng thì tùy thuộc nhiều vào sự hợp tác của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cấp ủy địa phương. Rồi xác định loại vụ việc nào thì BCĐ theo dõi, chỉ đạo, chỉ là án tham nhũng hay cả kinh tế... ý kiến còn rất khác nhau. Phải nói là mọi việc không dễ dàng chút nào” - ông Tuấn nhớ lại.
Cứ như thế, đến Đại hội XI, đầu năm 2011, công tác PCTN bị đánh giá là chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi” như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X - nghị quyết đầu tiên về PCTN đề ra năm năm trước.
Tháng 6-2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân, trong đó gián tiếp nhận định thiết chế PCTN chưa phù hợp cần được khắc phục. Giải pháp đưa ra là kiện toàn BCĐ Trung ương về PCTN theo hướng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm trưởng ban; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa là cơ quan tham mưu cho Trung ương về công tác nội chính, đồng thời là cơ quan thường trực của BCĐ.
“Đây là một bước tiến lớn về hoàn thiện thiết chế PCTN. Nhưng ngay cả những ngày đầu mới tái lập Ban Nội chính Trung ương thì mọi việc cũng chưa thể trôi chảy ngay. Tôi tham gia xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan tố tụng trung ương nên cảm nhận rất rõ” - ông Tuấn kể.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng được đẩy mạnh, khởi tố 1.120 vụ/2.470 bị can, trong đó xét xử hơn 1.000 vụ/2.430 bị cáo về các tội tham nhũng. |
Kéo các cơ quan bảo vệ pháp luật, tổ chức Đảng vào cuộc
Vụ trưởng Vụ 1 Ban Nội chính Trung ương, chuyên về theo dõi án tham nhũng - ông Nguyễn Văn Yên cho biết lãnh đạo ban phải dành không ít thời gian “lao tâm khổ tứ” tham mưu BCĐ xây dựng các quy định, quy chế để ràng buộc, kéo tất cả cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức Đảng vào cuộc.
Cơ chế này được ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên BCĐ Trung ương về PCTN, “hé lộ” năm cấp độ trong hoạt động của mô hình này tại buổi họp báo về hội nghị này hôm 9-12. Tuy nhiên, đằng sau ấy là quá trình vận động không ngừng, đúng như quan điểm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp đầu tiên BCĐ ở cương vị trưởng ban: “Đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Phải quyết tâm làm, làm quyết liệt nhưng rất kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Nguyên lý công tác PCTN là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó ở nội dung chống tham nhũng thì nhiệm vụ trước hết là ở các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Đây là các thiết chế nhà nước, hoạt động theo pháp luật, có đủ sức mạnh công quyền. Tuy nhiên, bản thân các cơ quan đó luôn tiềm ẩn tâm lý, nguy cơ “quyền anh quyền tôi”. Giữa các cơ quan lẽ ra phải phối hợp, giám sát lẫn nhau nhưng thực tế vẫn luôn đâu đó có nể nang, né tránh, việc ai nấy làm. Đây chính là một nguyên nhân dẫn tới sự cần thiết phải thành lập BCĐ Trung ương về PCTN mà chức năng là “chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN trong phạm vi cả nước”.
Nhưng làm thế nào để một BCĐ với thành phần hầu hết kiêm nhiệm thực hiện được chức năng này? Câu trả lời là phải xây dựng được các cơ chế cụ thể.
Tháng 7-2013, ở phiên họp thứ ba sau khi thành lập, từ tham mưu của Ban Nội chính Trung ương, BCĐ thông qua cơ chế xử lý các vấn đề mà giữa các cơ quan tố tụng còn ý kiến khác nhau về quan điểm xử lý hoặc có vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật thì sẽ giải quyết theo ba cấp độ. Tiếp đó được hoàn thiện thành cơ chế năm cấp độ ở kỳ họp thứ 4 vào tháng 12-2013.
Theo đó, nếu việc xử lý vụ việc có khó khăn thì đầu tiên, trưởng Ban Nội chính Trung ương trong vai trò phó trưởng Ban thường trực BCĐ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao tổ chức họp liên ngành, cùng với người đứng đầu cấp ủy các cơ quan chức năng thống nhất hướng xử lý. Trường hợp vẫn chưa thống nhất thì giao Thường trực Ban bí thư, phụ trách công tác nội chính chủ trì họp liên ngành bàn tiếp. Nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì giao trưởng Ban Nội chính Trung ương tổng hợp, báo cáo đề xuất tập thể Thường trực BCĐ chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý. Nếu vẫn còn vướng thì đưa ra họp toàn thể BCĐ và cao nhất là báo cáo Bộ Chính trị.
Kết luận về cơ chế năm cấp độ này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ, từng nhấn mạnh: “BCĐ không làm thay cơ quan chức năng nhưng sẽ chỉ đạo với tinh thần là quyết tâm xử lý dứt điểm vụ việc, đúng sai rõ ràng, không để tồn đọng, kéo dài gây dư luận không tốt”.
Gần 20 vụ việc, vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Út “trọc” Ngoài ra, cơ chế BCĐ 110, gọi tên theo quyết định của BCĐ Trung ương về PCTN cũng là một mô hình linh hoạt để chỉ đạo, xử lý một số vụ án đặc biệt khó khăn, phức tạp thuộc diện BCĐ Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, Thường trực Ban bí thư làm trưởng BCĐ này, với Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực để trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc và chịu trách nhiệm báo cáo trước BCĐ lớn. Gần 20 vụ án, vụ việc liên quan đến hai nhân vật đặc biệt là Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”, Út “bộ trưởng”) đã được chỉ đạo xử lý kịp thời, chặt chẽ bằng cơ chế này. |