Một người từng trúng cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong (Legco) đang ở Mỹ muốn kêu gọi Washington cấp quy chế tị nạn chính trị cho 200 thanh niên Hong Kong trước nguy cơ từ những hành vi bị cho là can thiệp ngày càng sâu từ chính quyền trung ương Bắc Kinh, báo Nikkei Asia ngày 11-12 đưa tin.
Trong bài trả lời phỏng vấn với PV Nikkei Asia qua điện thoại, ông Baggio Leung Chung-hang (Lương Tụng Hằng) - một cựu nghị sĩ Hong Kong với quan điểm cứng rắn với Trung Quốc - cho biết sau khi sang Mỹ hôm 30-11, ông này đã "gặp một số nghị sĩ và quan chức chính quyền (Mỹ)" tại Washington.
Ông Lương cho biết mục tiêu của ông tại Washington là xin cho những người Hong Kong không có Hộ chiếu Quốc gia Anh ở nước ngoài (BNO - được cấp trước năm 1997) được tị nạn chính trị ở Mỹ.
Hiện tại, người Hong Kong có BNO có thể được tạo điều kiện cư trú lâu dài và xin quốc tịch Anh. Do đó, việc Mỹ mở đường cho những người không có BNO tị nạn chính trị được ông Lương kỳ vọng là lời đảm bảo cho những người trẻ Hong Kong muốn công khai biểu lộ sự bất mãn trước chính quyền đặc khu và chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Ông Baggio Leung Chung-hang (Lương Tụng Hằng - phải) và đồng minh chính trị là bà Yau Wai-chinh (Du Huệ Trinh - trái). Ảnh: SCMP
Ông Lương cho rằng con số mà ông hướng tới là 200 "suất" tị nạn chính trị cho những người trẻ Hong Kong. Ông Lương cho rằng đây "không phải là một con số lớn đối với Mỹ".
"Tất nhiên, nếu chính phủ Anh và Mỹ có thể làm nhiều hơn thế thì đó sẽ là một tin tuyệt vời cho người dân Hong Kong. Nhưng trước mắt, tôi nghĩ 200 suất là đủ cho tình hình hiện tại" - ông Lương nhấn mạnh.
Bản thân ông Lương là người có BNO. Tháng 10-2016, ông Lương được bầu vào Legco, song trong lễ tuyện thệ, ông này đã cố tình đọc sai tên nước và dùng từ ngữ bị cho là xúc phạm Trung Quốc. Không lâu sau đó, Tòa Chung thẩm của đặc khu đã hủy tư cách thành viên Legco của ông này.
Khi nhập cảnh vào Mỹ, ông Lương đã sử dụng thị thực du lịch. Ông Lương nói rằng đã phát hiện nhiều người lạ theo dõi mình tại sân bay, khi ông làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ. Nhân viên sân bay cũng bị cho là xem xét hộ chiếu của ông Lương lâu hơn thường lệ.
Cựu nghị sĩ này cho rằng ông đã "may mắn" khi có thể rời khỏi Hong Kong để đến một quốc gia được cho là "an toàn hơn", do đó ông muốn "đảm bảo (cho những người trẻ đang gặp khó khăn ở Hong Kong) có sự lựa chọn".
Ý định của ông Lương được Nikkei Asia tiết lộ chỉ vài giờ sau khi Hong Kong thông báo trùm truyền thông, tỉ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh) sẽ bị xét xử theo luật an ninh mà chính quyền trung ương Bắc Kinh ban hành cho Hong Kong. Ông Lê là người thứ tư bị truy tố theo luật an ninh Hong Kong, trước đó là ba người trẻ bị buộc tội hoạt động khủng bố và ly khai.
Tuần trước, ba thủ lĩnh biểu tình sinh viên là Hoàng Chi Phong, Châu Đình và Lâm Lãng Ngạn bị kết án tù vì tội tổ chức, kích động, tham gia biểu tình (các cáo buộc này không liên quan tới luật an ninh Hong Kong).
Hồi cuối tháng 10, sau khi giới chức Hong Kong bắt giữ một số thủ lĩnh biểu tình chống chính quyền, bốn thủ lĩnh khác đã vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ để xin tị nạn chính trị.
Cuối tháng 6, chính quyền trung ương Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong, trong đó cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và câu kết với các thế lực nước ngoài.
Phương Tây chỉ trích luật an ninh này sẽ đe dọa nền tự trị cao của Hong Kong, làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" mà Bắc Kinh đã cam kết. Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh và Hong Kong khẳng định luật an ninh quốc gia sẽ chỉ nhắm vào các vụ việc "có bản chất khủng bố" do "những kẻ gây rối" cấu kết với lực lượng nước ngoài thực hiện.
Hôm 7-12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu tán thành việc trao "Quy chế bảo vệ tạm thời" cho người dân Hong Kong, cho phép người đến từ đặc khu này có cơ hội được sống và làm việc ở Mỹ trong năm năm. Trước đó, quy chế này thường được cấp cho những quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Somalia, Syria hay Yemen.
Tuy nhiên, quy định này vẫn cần được Thượng viện Mỹ thông qua.