Những trí thức trẻ tài năng Việt Nam quy tụ tại Đại hội Tài năng trẻ Việt lần thứ 3, năm 2020 - Ảnh: HÀ THANH
Sáng 12-12 tại Hà Nội, diễn đàn "Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam" khai mạc với sự tham gia của 400 đại biểu tài năng trẻ Việt trong và ngoài nước. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt lần thứ 3, năm 2020.
Tại diễn đàn, các tài năng trẻ bàn luận xoay quanh về câu chuyện trọng dụng tài năng trẻ Việt và đưa ra nhiều giải pháp về phát huy, bồi dưỡng đội ngũ tài năng - nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong tương lai.
Tại diễn đàn số 1, tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phòng Vật lý thiên văn và vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nêu ý kiến lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ không thể kéo dài mãi, do vậy phải tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Tuy nhiên thực trạng "chảy máu chất xám" đã diễn ra nhiều năm nay bởi môi trường làm việc ở nước ngoài tốt hơn, đãi ngộ tốt hơn, rất nhiều người băn khoăn không biết có nên trở về hay không? Có cách nào để chủ động thu hút, phát huy nguồn lực này?", tiến sĩ Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Không chỉ trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, tiến sĩ Phạm Tấn Nhật, TP.HCM mong muốn cần có thêm nhiều "sàn diễn" hơn cho tài năng trong khoa học xã hội - Ảnh: HÀ THANH
Theo anh, không chỉ bồi dưỡng, phát huy đội ngũ trí thức trẻ Việt toàn cầu mà cần chú trọng phát huy tài năng trẻ trong nước. Cụ thể, tạo các diễn đàn, mạng lưới khuyến khích tài năng trẻ nêu quan điểm, sáng kiến. Các cơ quan, tổ chức cần tạo điều kiện, giao trọng trách nhiều hơn cho cán bộ trẻ, nhân lực trẻ.
Cho rằng hiện nay Việt Nam đã làm tốt việc phát huy, bồi dưỡng nhân tài, tuy nhiên TS.BS Phạm Lê Duy (ĐH Y dược, TP.HCM) nhấn mạnh thêm cần chú trọng vào việc đào tạo để tạo ra những nhân tài. "Mục đích là để ai cũng là nhân tài, khi đó Việt Nam sẽ là đất nước của những nhân tài", anh Duy chia sẻ.
Đến từ TP.HCM, tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, giảng viên Trường ĐH Quốc tế - nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng quốc tế về khoa học thần kinh chỉ ra một nghiên cứu về não bộ phụ nữ và nam giới không khác nhau về khoa học, kỹ thuật, đều giỏi như nhau.
"Nhưng tại sao ở hội trường có khoảng 79 đại biểu mà chỉ có 15 nữ? Đó là do định kiến xã hội", tiến sĩ Hương trăn trở.
Nữ tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương nêu mong muốn hãy gỡ bỏ những định kiến về giới, tin tưởng nữ giới, tạo điều kiện cho họ cống hiến - Ảnh: HÀ THANH
Chị tiếp tục nêu ý kiến bởi quan niệm con gái phải học nghệ thuật, biết thêu thùa, may vá, nấu ăn. Trong khi trong gia đình, nếu bạn trai muốn học vẽ, nhảy múa sẽ bị phản ứng rất dữ dội. Theo tiến sĩ Hương, chính định kiến đó sẽ hạn chế phát triển của nữ giới, nam giới.
Chia sẻ lại câu chuyện của bản thân khi mới về Việt Nam, đi gặp gỡ nhà tuyển dụng cũng là lúc chị đang mang thai. Mới đầu nhà tuyển dụng rất phân vân, may mắn sau đó người sếp hiểu rõ là nữ giới cũng không ảnh hưởng gì đến công việc.
"Giải pháp nhỏ từ chính hành động của chúng ta, hãy tin tưởng, gỡ bỏ những định kiến đó khi các bạn trở thành nhà tuyển dụng. Đừng vì một người nữ nộp hồ sơ mà nghĩ sau này họ sẽ vướng bận về xã hội, không cho họ thăng tiến, nghĩ sau này họ làm mẹ sẽ mất thời gian, không tập trung công việc được", tiến sĩ Hương chia sẻ.
TTO - TS Đỗ Vân Khanh (31 tuổi) được chọn là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ ngành khoa học về thần kinh (Neuroscience) do Viện Sức khỏe Hoa Kỳ (National Institute of Health, NIH) xét duyệt.