vĐồng tin tức tài chính 365

Trái phiếu bị siết, doanh nghiệp quay trở lại kênh tín dụng?

2020-12-13 09:21

Trái phiếu bị siết, doanh nghiệp quay trở lại kênh tín dụng?

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) - Trong bối cảnh hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục chững lại và nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm, việc huy động vốn được kỳ vọng chuyển nhanh từ trái phiếu sang kênh tín dụng.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Trái phiếu vẫn giảm tốc

Báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết tháng 11 thị trường huy động được 10.600 tỉ đồng từ 83 đợt phát hành thành công và 16 doanh nghiệp. Luỹ kế trong 11 tháng, 237 doanh nghiệp đã thực hiện gần 2.311 đợt phát hành trái phiếu thành công và huy động gần 349.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo do Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) phát hành, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 11 đã tăng 37,9% so với tháng trước, nhưng vẫn ở mức thấp trong năm và giảm 82,3% so với tháng cao điểm là tháng 8.

Như vậy, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể sau khi Nghị định 81/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018 của Chính phủ) có hiệu lực từ đầu tháng 9 vừa qua, tạo ra khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.

Trong tháng 11, nhóm ngân hàng và bất động sản tiếp tục là hai tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới hơn 66,9% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nhóm Ngân hàng phát hành thành công đạt hơn 6.000 tỉ đồng, với đóng góp chính từ 2 ngân hàng TPBank và LienVietPostBank.

Còn nhóm ngành Bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 4.917 tỉ đồng, chủ yếu đến từ Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-Vid (2.400 tỉ đồng) và BCM (2.000 tỉ đồng).

Đáng chú ý trong thời gian gần đây là lãi suất huy động trái phiếu vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 6,5-13%. Nhóm huy động với lãi suất thấp chủ yếu vẫn là các ngân hàng, nhưng bất động sản thì tiếp tục duy trì mức lãi suất cao. Cụ thể như trường hợp của Công ty IDJ đưa ra mức lãi suất 13% cho kỳ hạn 3 năm.

Nguồn: Fiinpro, KBSV

 

Vốn chảy qua kênh tín dụng

Thanh khoản dư thừa tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động trong việc phân bổ tài sản trong thời gian qua. Theo báo cáo của Fiingroup về kết quả hoạt động kinh doanh trong ba quí đầu năm, các ngân hàng có xu hướng tăng đầu tư vào chứng khoán trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, đặc biệt là chứng khoán có mức rủi ro cao hơn nhưng lãi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy quy mô đầu tư trái phiếu vẫn ở mức thấp so với tổng tài sản (chiếm khoảng 6,2% ở 21 ngân hàng), nhưng việc phân bổ vốn này, cùng với sự e ngại nợ xấu vì Covid-19, nên hoạt động tín dụng trong những tháng đầu năm 2020 đi khá chậm.

Tuy nhiên, ở góc độ là nguồn cung cấp vốn thông qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, chính bản thân các ngân hàng cũng đang đối mặt với những quy định mới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, trong đó siết lại hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, nên dự kiến tỷ trọng giá trị danh mục trái phiếu doanh nghiệp sẽ khó tăng cao.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu vốn trên kênh tín dụng được dự báo phục hồi vào dịp cuối năm. Báo cáo của KBSV cũng cho biết các chỉ số về bán lẻ, sản xuất trong ba tháng qua diễn biến tích cực, cho thấy khả năng hồi phục của nhu cầu vốn trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Bloomberg, BVSC.

 

Theo KBSV, các doanh nghiệp đã quay lại kênh tín dụng khi cần huy động vốn trong tháng 11. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh từ mức 7,3% trong tháng 10 lên mức 8,4% trong tháng 11. Tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự kiến đạt khoảng 10%. Như vậy trong tháng 12, tín dụng ước tính tăng 1,5 điểm phần trăm, tương đương với gần 125.000 tỉ đồng.

“Các doanh nghiệp cần có thời gian để làm quen và chuẩn bị nhằm đáp ứng được các điều kiện mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và dư địa để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong tháng 12 vẫn còn tương đối nhiều, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ tiếp tục trầm lắng”, KBSV nhận định.

Tương tự, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, các ngân hàng bắt đầu có động thái giảm lãi suất huy động cũng như đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh doanh số bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng cho thấy dấu hiệu hồi phục tích cực.

Các chuyên gia phân tích cũng nhìn nhận rằng thanh khoản vẫn đang dồi dào nhưng nhu cầu vốn đang phục hồi sẽ khiến cho lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ đi ngang.

“Vùng lãi suất tiền gửi hiện tại đã thấp hơn cuối 2019 từ 150-300 điểm cơ bản và đang là vùng thấp lịch sử. Chúng tôi nhận thấy thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào nhưng dư địa giảm thêm của lãi suất tiền gửi không còn nhiều, xu hướng ngắn hạn sẽ là đi ngang”, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI nhận định.

Xem thêm: lmth.gnud-nit-hnek-ial-ort-yauq-peihgn-hnaod-teis-ib-ueihp-iart/476113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Trái phiếu bị siết, doanh nghiệp quay trở lại kênh tín dụng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools