‘Gánh’ sứ mệnh an ninh lương thực, ĐBSCL đối mặt nguy cơ chậm phát triển
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn so với TPHCM và cả Đông Nam bộ là do khu vực này được giao gánh sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Do đó, kết quả chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn bị chậm vì phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo.
Nghịch lý lúa gạo cấp thấp giá đắt hơn lúa gạo chất lượng cao
Sứ mệnh an ninh lương thực đã kiềm hạm tăng trưởng kinh tế ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh |
Vấn đề nêu trên là một trong các nội dung quan trọng đã được chỉ ra trong bản báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện, được công bố vào hôm nay, 14-12 tại TP. Cần Thơ.
Kết quả nghiên cứu của báo cáo cho thấy, kinh tế ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đều chịu sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là chịu tác động bởi đại dịch Covid-19.
Đối mặt với các hệ lụy tiêu cực nếu Covid-19 còn kéo dài
Riêng đối với ĐBSCL, báo cáo chỉ ra, do hoạt động công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, du lịch thì chủ yếu phục vụ khách trong nước nên tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế ĐBSCL được đánh giá là “nhẹ nhàng” hơn so với các trung tâm công nghiệp, thương mại và du lịch khác của cả nước. Tuy vậy, trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có thể còn kéo dài, ĐBSCL rất có thể phải đối diện với một số hệ lụy tiêu cực, xuất phát từ vai trò đặc thù cũng như cấu trúc nội tại của vùng.
Cụ thể, với vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, việc ngừng xuất khẩu gạo có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Chính sách này, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá thu mua nông sản và sinh kế của người dân ĐBSCL; chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa vì vậy có thể sẽ tiếp tục bị gián đoạn.
Còn chi phí logistics – vốn đã bị đánh giá là cao – sẽ còn tăng thêm do phát sinh chi phí liên quan đến an toàn phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng làn sóng hồi hương của người ĐBSCL đang làm việc ở vùng Đông Nam bộ hay người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có thể trở thành gánh nặng của vùng.
Cùng với dịch bệnh, tình trạng hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng cũng sẽ làm môi trường kinh tế - xã hội trở nên bấp bênh, gánh nặng về tâm lý và kinh tế đối với cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền trong vùng ngày càng lớn.
Một vấn đề được rút ra từ báo cáo nghiên cứu, đó là vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, đóng góp của ĐBSCL vào GDP trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM, vào năm 1990, GDP của địa phương này chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL, thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay.
Theo đó, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TPHCM và Đông Nam bộ là do vùng được giao “sứ mệnh” đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Do đó, phải tập trung vào nông nghiệp, sản xuất lúa gạo và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Di dân - câu chuyện nhức nhối
Từ chỗ thiếu ngành nghề có thể sử dụng nhiều lao động, cho nên, tình trạng di cư của người dân vùng này để đến TPHCM và các địa phương khác ở miền Đông Nam bộ đang ở mức đáng báo động.
Kết quả báo cáo chỉ ra, so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất. Hệ quả khiến ĐBSCL trở thành vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009- 2019.
“Cơ cấu kinh tế của vùng là vấn đề cần quan tâm”, báo cáo nhấn mạnh và dẫn chứng trong giai đoạn 2010 - 2019, cơ cấu kinh tế của vùng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ.
Theo đó, tỷ trọng khu vực I đã giảm từ 39,6% trong năm 2010 xuống chỉ còn 28,3% trong năm 2019, nhanh hơn tốc độ dịch chuyển cơ cấu trong hai thập niên trước đó; tương tự như vậy, cơ cấu khu vực II và III cũng đang thay đổi mạnh mẽ, hội tụ ngày càng gần hơn so với cơ cấu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, dư địa chuyển đổi cơ cấu không phải là vô hạn, bởi với đặc điểm tự nhiên vốn có, không thể và không nên yêu cầu ĐBSCL có cơ cấu kinh tế tương tự như cả nước.
Chính những yếu tố đó, dù đã có sự dịch chuyển mạnh hơn về cơ cấu kinh tế, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu việc làm cho người dân. Vì vậy, di cư ra khỏi vùng là rất lớn như báo cáo đã nêu.