Tỷ phú John Tu, 79 tuổi, đồng sáng lập nhà sản xuất bộ nhớ máy tính Kingston Technology, đã cam kết đầu tư 50 triệu USD cho Fluxergy, một công ty trong lĩnh vực xét nghiệm chẩn đoán do người bạn hồi nhỏ của con trai ông đồng sáng lập.
Tham gia lĩnh vực công nghệ sinh học là quyết định kinh doanh đột phá đầu tiên của ông. Nếu công ty có thể được phê duyệt bộ xét nghiệm Covid-19 và đưa ra thị trường trước khi đại dịch có dấu hiệu bắt đầu giảm nhẹ, đây sẽ là một thành công lớn. Trước đây, ông đã phải đối mặt với áp lực như vậy, bước vào lĩnh vực kinh doanh máy tính khi loại hình máy tính cá nhân vẫn còn mới và vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Cảm giác lạc lõng khi ở Đức và bước ngoặt khi đến sống ở Mỹ
Lớn lên ở Đài Loan (Trung Quốc) và học tập ở Đức, Tu đến thăm nước Mỹ lần đầu tiên vào năm 1968 và trở nên cảm mến đất nước này. Trở lại Frankfurt, Đức, ông làm việc cho Motorola và một cuộc sống khá thoải mái nhưng bản thân ông luôn cảm thấy mình như một người nước ngoài ở nơi đây. Nước Mỹ thì khác. “Không ai hỏi tôi từ đâu đến", ông nói: "Tôi cảm thấy ngay lập tức được chấp nhận là một phần của xã hội này".
Sau khi lấy bằng kỹ sư điện ở Đức, Tu đến Mỹ vào năm 1971 bằng thị thực du lịch cấp theo chị gái của ông. Ông cùng chị gái đến Scottsdale, Arizona, nhưng không tìm được việc làm. “Mọi người nói đùa rằng: “Nếu bạn đi taxi, cứ 10 người lái xe thì có 3 hoặc 4 người trong số đó có bằng tiến sĩ”, Tu nhớ lại. “Thời gian đó quả thật là vô cùng chán nản.”
Để kiếm sống, ông đã bán tchotchke (các món đồ trang trí nhỏ) của Đài Loan tại một cửa hàng quà tặng trước khi phát hiện ra rằng ở Mỹ, bạn có thể từ người thuê nhà thành chủ nhà với khoản thế chấp 85% và một khoản vay từ cha mẹ. Công việc kinh doanh thuận lợi với món bất động sản mới mua nhưng ông cảm thấy Scottsdale không phát triển được. Ông đã bán nhà và chuyển đến Los Angeles vào năm 1975.
John Tu và David Sun, CEO và COO Kingston Technology. Ảnh: Kingston
Người bạn “để đời” và hành trình thành tỷ phú
Ở Los Angeles, ông không kinh doanh gì cho đến khi gặp và kết thân với một người bạn, David Sun vào năm 1981. Sun là một kỹ sư điện sinh ra ở Đài Loan, đã nói với Tu rằng máy tính chính là “thứ lớn tiếp theo”. Và vì vậy, Tu nói rằng: “Tôi muốn kinh doanh máy tính”.
Họ không có tiền để sản xuất toàn bộ máy tính cá nhân như IBM. Tập trung vào các sản phẩm bộ nhớ cho phép họ thâm nhập thị trường với quy mô nhỏ. Năm 1982, họ thành lập công ty đầu tiên của mình, Camintonn trong một nhà để xe, nơi Sun thiết kế các bảng vi mạch trong khi Tu bán chúng bằng điện thoại. Sun đã dạy ông một vài từ chuyên ngành thông dụng để khách hàng nghĩ rằng Tu biết ông đang nói về cái gì.
“Tôi thực sự may mắn khi gặp được ông ấy", Sun, 69 tuổi nói. “Ông ấy bổ sung những gì tôi không thể làm".
Quan hệ đối tác và sản phẩm của họ phát triển thuận lợi. Năm 1986, cùng với đối tác thứ ba, họ đã bán công ty cho đối thủ của IBM lúc bấy giờ là AST với giá 6 triệu USD. Với cái giá này, mỗi người bỏ túi 1,3 triệu USD sau thuế.
Mất tiền, nợ nần và thành lập công ty triệu USD
Sun thuyết phục Tu đầu tư số tiền này cùng với một người bạn môi giới chứng khoán. Thời điểm thị trường sụp đổ ngày 19/10/1987, mỗi người đã mất 1 triệu USD và nợ 200.000 USD phí môi giới.
Họ đã thành lập Kingston Technology ngay ngày hôm đó. Sun đã phát triển một bảng bộ nhớ mới và cải tiến bằng cách sử dụng một con chip được các nhà sản xuất cho là lỗi thời khi thiếu chip mới hơn, phổ biến hơn. Cải tiến này đã thành công. Sản phẩm mới còn bán được nhanh hơn cả thời gian họ chế tạo chúng. Kingston đạt doanh thu 40 triệu USD vào năm 1989.
Bốn năm sau, họ đạt doanh thu 433 triệu USD, vượt qua cả những gã khổng lồ công nghệ như Samsung và Toshiba.
Tu và Sun lần đầu tiên xuất hiện trên Bảng xếp hạng Forbes 400 vào năm 1995 khi mỗi người có tài sản ròng 340 triệu USD. Năm tiếp theo, SoftBank mua 80% cổ phần của công ty với giá 1,5 tỷ USD. Số cổ phần này được Kingston mua lại 2 năm sau đó với giá 450 triệu USD khi giá chip sụt giảm và Softbank bán tháo.
Thị trường phục hồi trở lại và Kingston tiếp tục phát triển nhưng bằng cách tập trung vào dịch vụ khách hàng hàng đầu. Công ty cũng tập trung kinh doanh dòng sản phẩm của mình ở phạm vi tương đối hẹp, phân nhánh sang ổ đĩa flash, SSD và đầu đọc bộ nhớ. Công ty không phát hành cổ phiếu ra công chúng do thị trường suy giảm những năm 1980.
Tu không bao giờ gọi mình là người có tầm nhìn xa và Sun cũng không gọi ông như vậy. Nhưng Sun đã ghi nhận ông với cách tiếp cận “có tầm” đã giúp công ty đến được vị trí như ngày nay, với khối tài sản ròng mà Forbes ước tính trị giá 13 tỷ USD. “John là một người biết lắng nghe,” Sun nói. "Anh ấy là người nắm giữ mọi thứ."
Trang Trang
NDH