vĐồng tin tức tài chính 365

Indonesia ứng dụng công nghệ mới cải tạo đất, hình thành các vựa lương thực mới

2020-12-16 15:27

Indonesia ứng dụng công nghệ mới cải tạo đất, hình thành các vựa lương thực mới

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Indonesia đang xây dựng các vựa lương thực quốc gia mới ở hai tỉnh North Sumatra và Central Kalimantan, nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực mà đại dịch Covid-19 có thể gây ra. Khoảng 17% đất canh tác mới sẽ dành để trồng các giống lúa cao sản có năng suất trên 5 tấn mỗi ha, phần còn lại sẽ dùng trồng các loại cây trồng khác.

Các nhà khoa học Indonesia sẽ cải tạo đất núi lửa nghèo dinh dưỡng bằng các công nghệ mới. Ảnh: Nikkei Asia

Canh tác trên vùng đất núi lửa nghèo dưỡng chất

Hồi tháng 10, Tổng thống Widodo đã thăm làng Ria-ria ở North Sumatra để khảo sát khu đất nông nghiệp mới chưa từng được đưa vào canh tác trước đây. Tổng thống nói rằng khu vực có thể thích hợp để trồng khoai tây, hành tím và tỏi. “Chúng ta sẽ biết được kết quả trong vòng hai đến hai năm rưỡi”, ông phát biểu.

Dường như đây là nỗ lực giảm bớt tỉ trọng của gạo trong sản xuất nông nghiệp của Indonesia. Ít nhất bốn bộ đang tham gia vào phát triển 148.000 ha canh tác lúa và 622.000 ha các loại cây lương thực khác ở Central Kalimantan và 64.000 ha đất canh tác ở phía North Sumatra.

Tổng diện tích đất canh tác mới hơn 10 lần diện tích Singapore. Tổng thống Joko Widodo nói rằng dự án cần dựa trên các tính toán khoa học kỹ lưỡng.

Tờ Jakarta Post nói rằng Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã ủng hộ đối với các sáng kiến an toàn lương thực của Indonesia.

Indonesia đang cố gắng tìm kiếm nguồn đất nông nghiệp mới trong dự án phát triển vựa lương thực quốc gia. Khởi sự từ tháng 6 vừa rồi, dự án nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực mà dịch Covid-19 có thể gây ra khi làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo vào tháng 10 rằng đại dịch “đã lộ rõ sự mỏng manh của mạng lưới lương nông toàn cầu” và 132 triệu người trên thế giới có thể đối diện với nạn đói trong năm 2020 này bởi suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid.

Tổng thống Widodo nói rằng giải pháp là tăng cường sản xuất thông qua chương trình vựa lương thực. “Cung cấp thực phẩm là chương trình hành động chiến lược mà chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với khủng hoảng lương thực mà đại dịch gây ra. Đây cũng là cách chúng ta ứng phó đối với biến đổi khí hậu và giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài”, ông phát biểu trên truyền hình.

Nhưng các nhà khoa học cho rằng một số yếu tố quan trọng đã không được cân nhắc trong việc chọn các địa điểm của dự án. Giáo sư nghiên cứu về đất Budiman Minasny thuộc Đại học Sydney nói rằng loại đất ở làng Siria-ria được tạo thành từ tro dung nham núi lửa có độ acid cao, độ dày mỏng và đất chưa được tẩy rửa để thích hợp với trồng trọt. “Tro dung nham từ các vụ phun trào núi lửa Toba đông cứng lại. Đất vì thế nghèo dinh dưỡng và có độ acid cao”, giáo sư nhận định.

Trong khi đó, khoai tây cần loại đất trồng tơi xốp, hành và tỏi chỉ có thể phát triển tốt trên đất có độ kiềm trung tính. Isner Manalu, quản lý một trang trại cà phê trong khu vực, nói rằng dân địa phương đã tăng dưỡng cho đất bằng cách kết hợp với nguồn chất thải hữu cơ từ chuồng trại.

Tháng 6, Bộ trưởng Nông nghiệp Yasin Limpo đã thăm và khảo sát các trang trại trồng hành và tỏi trong khu vực. Sau chuyến đi, ông nói rằng đất trong khu vực vẫn còn phì nhiêu và thích hợp cho canh tác.

Nhưng giáo sư Minasny nói rằng không phải mọi loại đất ở North Sumatra và Central Kalimantan có tiềm năng trở thành đất canh tác. Các hình ảnh vệ tinh từ Google Earth cho thấy vùng này ở vùng đất thấp gần hồ Toba. Do xói mòn trầm tích, khu vực chân đồi có nguồn đất tốt hơn. Trong khi dự án lại đặt chính ở làng Ria-ria trên vùng đất cao bị xói mòn.

Tiến sĩ Husnain, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu tài nguyên đất thuộc Bộ Nông nghiệp, thừa nhận chất lượng đất ở khu vực Ria-ria là thấp. “Nhưng bằng cách đưa công nghệ mới vào, vùng đất này có thể tạo ra năng suất cao. Chúng tôi đã phân tích đất và chuẩn bị chiến lược để biến vùng đất này thích hợp cho trồng trọt. Công việc tiến hành rất thận trọng, vì thế cần phải chờ một thời gian”, bà Husnain phát biểu.

Công nghệ gien để phát triển giống lúa mới

Một vựa lương thực khác cũng đang được phát triển ở khu vực Pulang Pisau thuộc tỉnh Central Kalimantan. Tại đây, ít nhất 30.000 ha đất than bùn đang được chuyển đổi thành đất trồng lúa. Yudistira, một chuyên gia về giống cây trồng thuộc Cơ quan nghiên cứu lúa Indonesia (BBPadi), cho rằng công nghệ mới sẽ được ứng dụng trong dự án vựa lương thực.

Sử dụng công nghệ biến đổi gien và nuôi cấy giống cây trồng, BBPadi đã phát triển các giống lúa mới, chẳng hạn như Inpari 32, Inpari 42, Inpar 8 và Inpari 9.

Đây là các giống lúa cao sản, có sức kháng bệnh cao và có thể trồng trên đất than bùn - loại đất có tính acid cao và hoàn toàn không thích hợp với phần lớn các giống lúa. Chuyên gia Yudistira nói: “Chỉ có một giống mới có tốc độ tăng trưởng chậm trên đất than bùn. Sản lượng các giống còn lại không bị ảnh hưởng bởi loại đất này”.

Dwi Andreas Santosa, giáo sư về công nghệ sinh học đất cây trồng thuộc Đại học Nông nghiệp Bogota, lại nghi ngờ về mức độ thành công của bất cứ dự án trồng thử nghiệm nào trên đất than bùn.

Ông cho rằng cần quan tâm đến kiểm tra chất lượng đất, quản lý nước tưới, công nghệ canh tác và các ảnh hưởng kinh tế xã hội để bảo đảm thành công của dự án vựa lương thực mới.

“Nếu chúng ta bỏ qua một trong các yếu tố trên, chúng ta không đạt được gì ngoại trừ thất bại”, giáo sư Santosa nói. Ông nói rằng các nỗ lực không đạt kết quả như mong đợi trong các dự án lương thực trong 25 năm qua là bài học cần lưu ý.

Chuyên gia Yudistira quyết tâm bảo vệ dự án của mình và nói rằng các giống lúa mới của viên BBPadi cho năng suất 5 tấn mỗi hectare và “chắc chắn mang lại lợi nhuận cho người trồng”. 

Ngoài việc trồng nhiều giống lúa cao sản có sức chống chọi với thời tiết và dịch bệch, ông Yudistira nói rằng trồng lúa trên đất than bùn có thể kiểm soát được và cho sản lượng tốt bằng cách dùng phân hữu cơ và sử dụng các máy cày thông minh để làm tơi xốp đất. “Dự án sẽ thành công bởi công nghệ được ứng dụng triệt để”, ông nói với Nikkei Asia.

Đất canh tác lúa ở Indonesia sẽ giảm dần trong chính sách an ninh lương thực mới. Ảnh: Jakarta Post

Giảm bớt vai trò của gạo trong bữa ăn hàng ngày.

Gạo và sản xuất gạo là dấu ấn ấn tượng của tham vọng “an toàn lương thực” của cựu Tổng thống Suharto. Chính sách bắt đầu những năm 1970 và trong vòng thập kỷ chính sách này đã loại bắp, khoai lang và các nông sản chủ yếu khác ra khỏi bữa ăn của người dân Indonesia.

Chính sách của ông Suharto đã biến gạo từ một loại thực phẩm được tiêu thụ ít ở các cộng đồng trong quần đảo thành loại thực phẩm chủ yếu. Người Indonesia hiện tiêu thụ lượng gạo 160-165kg mỗi đầu người trong một năm, gấp ba lần lượng tiêu thụ trung bình trên thế giới là 53kg.

Chiến lược do ông Suharto khởi xướng đã quá thành công, khiến nhu cầu về gạo vượt quá khả năng sản xuất. Năng lượng sản xuất gạo của Indonesia đạt trung bình 33 triệu tấn mỗi năm, tùy tình hình sâu bệnh hay dịch hại có thể khiến số gạo thiếu hụt khoảng 350.000 tấn đến khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Nguồn gạo thiếu hụt được nhập từ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.

Gạo có nhiều chất xơ và các loại vitamin chính. Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng một chế độ ăn uống lệ thuộc quá nhiều vào gạo trắng có sự liên hệ mật thiết đến việc bệnh tiểu đường và các trường hợp kháng insulin ngày càng phổ biến. Indonesia đang chật vật đương đầu với bệnh tiểu đường bởi căn bệnh này ảnh hưởng đến 20 triệu trong tổng dân số 260 triệu người ở đây. Bệnh tiểu đường đang là nguyên nhân gây chết người đứng thứ ba ở Indonesia sau đột quỵ và các bệnh về tim.

Diện tích dành cho lúa chỉ có 148.000 ha trong tổng diện tích 834.000 ha đất canh tác mới ở North Sumatra và Central Kalimantan, tức chỉ 17% diện tích của chương trình. Như vậy, có hai xu hướng nổi bật trong chương trình an toàn lương thực mới của xứ vạn đảo. Một, đảm bảo nguồn cung và giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Hai, các loại cây lương thực khác đang được ưu tiên và gạo ngày càng giảm dần trong khẩu phần ăn của người Indonesia.

Các quan chức Indonesia nhìn nhận rằng việc giảm lượng gạo tiêu thụ xuống bằng mức trung bình toàn cầu có thể mất vài thập kỷ. “Chúng tôi đang thuyết phục người dân thay đổi ý nghĩa gạo là nguồn cung cấp carbonhydrate duy nhất bởi chúng tôi có nhiều loại thực phẩm chủ yếu khác” - ông Agung Hendriadi, người đứng đầu của Cơ quan Lương thực Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia, phát biểu.

 

Xem thêm: lmth.iom-cuht-gnoul-auv-cac-hnaht-hnih-tad-oat-iac-iom-ehgn-gnoc-gnud-gnu-aisenodni/518113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Indonesia ứng dụng công nghệ mới cải tạo đất, hình thành các vựa lương thực mới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools