Sau 5 năm triển khai đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia các mạng lưới phân phối nước ngoài" đã góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của tập đoàn ở nước ngoài, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng.
Ngày 17.12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2020”.
Đây là Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3.9.2015, giao Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 5 năm triển khai đề án, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương, đồng thời tăng cường hợp tác với một số địa phương, góp phần thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống siêu thị lớn của tập đoàn ở nước ngoài.
"Chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững" - ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Hải, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gãy. Chính vì vậy, rất cần các doanh nghiệp chung tay giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, như nông sản, thực phẩm... là nhu cầu cấp thiết của các tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, định hướng cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của đề án; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng", ông Linh nói.
Với vai trò đối tác chiến lược của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải kỳ vọng các tập đoàn như Central Retail, Wal Mart, AEON, Lotte và Mega Market sẽ phát huy thế mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của đề án; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Xem thêm: odl.730368-ioig-eht-auc-iht-ueis-iad-cac-oav-ihk-eohk-gnos-teiv-gnah/et-hnik/nv.gnodoal