Một số đầu sách về dịch COVID-19 - Ảnh: Q.M.
Thậm chí, một số nhà xuất bản, công ty sách đã tìm thấy từ cơn biến động dịch bệnh những đốm sáng để khai thác thành đề tài sách.
Sách về dịch COVID-19 - món mới trong làng xuất bản
Không chỉ truyền thông bị cuốn vào thảm trạng dịch COVID-19, ngành xuất bản nước nhà trong năm qua cũng nhanh nhạy tổ chức các bản thảo thuộc đề tài dịch bệnh liên quan đến COVID-19, thậm chí có cả tác phẩm văn chương với đề tài COVID cũng được các cây bút "nhạy bén thời sự" hoàn thành và ra mắt sách.
Đi đầu trong dòng sách dịch COVID-19 năm nay là Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ, với các sách: Đại dịch tim không đập thình thịch: Corona từ A-Z (BS Trương Hữu Khanh, liên kết cùng Anbooks); Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa); tập sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (Trần Thế Phong) ghi lại những hình ảnh của người dân, giới y bác sĩ, các chuyển động của đời sống trong mùa dịch năm nay; Thiên đường và địa ngục (Đinh Hồng Hải): Ghi chép trong đại dịch COVID-19; Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái (Iris Lê).
Bên cạnh đó Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM cũng có hai đầu sách về đề tài này, đó là tập sách Mắc kẹt - 122 ngày mắc kẹt ở Mỹ vì COVID-19 của Phương Thu Thủy thuật lại tình trạng khởi từ chuyến du lịch được chuẩn bị từ trước nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến cô tác giả bị kẹt lại trên đất Mỹ, và vô tình những ghi chép của Phương Thu Thủy là các góc cạnh của đời sống người dân Mỹ trong hai chiều phản ứng với dịch: có những người nỗ lực phòng tránh và cả những người phớt lờ bỏ qua không thèm quan tâm đến dịch.
Ở thể loại văn chương, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM có tiểu thuyết Những ngày cách ly (của Bùi Quang Thắng). Và nhà văn Từ Nguyên Thạch cũng nhạy bén từ một tình huống có thật xảy ra đầu mùa dịch, anh đã chấp bút và hoàn thành truyện dài Tình người cách ly (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, tháng 6).
Đặc biệt Nhà xuất bản Phụ Nữ còn tổ chức được bản thảo sách tranh từ ý tưởng của kiến trúc sư trẻ Tăng Quang, đích thân sáng tác trong những ngày anh bị cách ly: quyển sách Con đã về nhà - I'm home với các tranh vẽ dí dỏm, mang cái nhìn tích cực và chân thực về đời sống trong khu cách ly... được đón nhận nồng nhiệt.
Sách tranh Con đã về nhà được đón nhận nồng nhiệt trong mùa COVID-19 - Ảnh: P.N.
"Giẫm chân" làm sách đẹp
Năm nay làng sách cũng chứng kiến tình trạng có nhiều đơn vị làm sách "đua nhau" ra cùng một đầu sách với ấn bản đẹp, đánh đúng thị hiếu giới sưu tập/ chơi sách.
Đầu năm là câu chuyện dịch và in quyển sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của vị bác sĩ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard từng xuất bản hơn 100 năm trước.
Cả 3 đơn vị làm sách là Omega Plus, Đông A và Nhã Nam đều bất ngờ chọn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ để thực hiện các ấn bản đặc biệt, dẫn đến làng sách chứng kiến một sự "giẫm chân" thú vị: có đồng thời nhiều bản in đặc biệt của quyển sách này được tung ra thị trường.
Quyển tiếp theo là Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim cũng được cả Đông A và Nhã Nam chọn làm ấn bản đặc biệt. Trong đó, Nhã Nam thực hiện Việt Nam sử lược bản đẹp, bìa da, giấy đặc biệt, ấn bản có đánh số... là một trong loạt sách kỷ niệm 15 năm ra đời thương hiệu Nhã Nam (2005 -2020).
Việt Nam sử lược, ấn bản đặc biệt của Nhã Nam - L.ĐIỀN
Còn thương hiệu sách Đông A kỳ công thiết kế và gia công bản đặc biệt Việt Nam sử lược vừa kịp thời ra mắt vào dịp cuối năm nay để kỷ niệm tròn 100 năm Việt Nam sử lược được trình làng (1920-2020).
Thông tin này cho thấy Đông A quan tâm đến lịch sử của quyển Việt Nam sử lược, ấn phẩm có đóng góp lớn cho học thuật nước nhà, và đáng ghi nhận khi tác giả Trần Trọng Kim với nguồn tài liệu vốn hạn hẹp của Việt Nam thời thuộc Pháp đầu thế kỷ 20, đã nỗ lực soạn bộ thông sử bằng chữ quốc ngữ theo cấu trúc nội dung hiện đại, lấy bản thân các sử kiện trong đời sống đất nước làm trục chính thay cho lối soạn sử xoay quanh hoạt động của các vương triều làm trục chính như các bộ sử thời phong kiến.
Việt Nam sử lược ấn bản đặc biệt của Đông A - Ảnh: Đ.A.
Online mua sách và mặt trái
Lần đầu tiên sau 20 năm, Hội sách TP.HCM 2020 đã không tổ chức được do dịch COVID-19. Trong tình thế bất lợi ấy, Cục Xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam và cộng đồng làm sách cả nước đã chung tay tổ chức Hội sách quốc gia trực tuyến nhân Ngày sách Việt Nam (21-4).
Trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội do COVID-19, các nhà sách và đường sách cũng bị giảm lượng bạn đọc đáng kể.
Đường sách TP.HCM lần đầu tiên giảm doanh thu qua các quý so với cùng kỳ năm trước, số lượng các sự kiện về sách cũng giảm hẳn. Đáp ứng nhu cầu đọc của người dân, các trang mạng bán sách và các kênh thương mại điện tử phát hành sách phát huy thế mạnh của mình.
Một fanpage mạo danh Nhà xuất bản Trẻ để bán sách - Ảnh: L. ĐIỀN
Tuy nhiên, khi nhu cầu mua sách online tăng cao (có kênh bán sách online tăng 70% so với cùng kỳ năm trước), xuất hiện tình trạng các fanpage trên mạng xã hội tùy tiện mạo danh một số thương hiệu sách để tạo nhầm lẫn trong bạn đọc.
Đánh vào tâm lý người đọc muốn tìm kiếm sách giảm giá, các trang mạng này một mặt đưa ra mức giảm giá rất sâu, một mặt "tự xưng" là cửa hàng, tổng kho, nhà in của các nhà xuất bản, công ty sách uy tín để thu hút người đọc. Trong khi các hành vi này chưa được cơ quan chức năng phát hiện, chế tài, hệ lụy thuộc về người đọc: mua nhằm sách giả do không được tận tay chọn trước.
Phát biểu về thực trạng này, cục trưởng Cục Xuất bản cho biết lãnh đạo ngành sẽ có biện pháp cứng rắn hơn trong tương lai để ổn định tình hình phát hành sách online, lành mạnh hóa thị trường mua bán sách trực tuyến.
TTO - TP.HCM vừa có quyết định hoãn tổ chức hội sách vào tháng 3 sắp tới, do dịch COVID-19 đang diễn ra.