Chuyên gia Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp nên bình tĩnh!
Minh Tâm
(TBKTSG Online) - Liên quan đến câu chuyện nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế cao sau khi nước này đưa Việt Nam vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ”, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về cách ứng phó của doanh nghiệp ở thời điểm này.
Chuyên gia Phạm Chi Lan (trái) trao đổi với doanh nghiệp tại một sự kiện hôm 21-12 tại Đồng Tháp. Ảnh: Trần Quỳnh |
TBKTSG Online: Quan điểm của bà về cáo buộc "thao túng tiền tệ" mà Mỹ đưa ra với Việt Nam?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Một trong những lý lẽ phía Mỹ đưa ra cho cáo buộc này là chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vấn đề là, những chính sách điều hành tỷ giá này không có tác động hay ý nghĩa gì. Bởi lẽ, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam tới 70% từ doanh nghiệp FDI. Chỉ có 30% còn lại là từ doanh nghiệp trong nước. Vậy nhưng, trong 30% này thì cũng nhập khẩu nguyên phụ liệu, gia công là chủ yếu và giá trị gia tăng nằm ở các nhà đặt hàng.
Gọi Việt Nam là nước xuất siêu cũng không đúng với thực trạng của nền kinh tế. Có chăng thì cũng chỉ cũng cục bộ ở một số mặt hàng, một số thị trường. Là một nước đang tiến lên công nghiệp hóa, nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam rất lớn.
Điều này, người ta chắc chắn biết. Nhưng tại sao vẫn cáo buộc Việt Nam như vậy? Đó là do lúc này ông Donald Trump, với những ngày cuối nhiệm kỳ, muốn tiếp tục giương cao lá cờ “nước Mỹ trên hết” như đã cam kết. Bên cạnh đó thì theo tôi, họ cũng có nghi ngờ về việc chuyển tải của hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan qua Việt Nam để đến Mỹ.
Tôi được một người quan trọng tham gia đàm phán Hiệp định TPP kể rằng, khi đàm phán hiệp định này, phía Mỹ từng đưa ra đề xuất về vấn đề thao túng tiền tệ. Lúc đó, Việt Nam không đồng ý với lập luận rằng, Mỹ mới là nước thao túng tiền tệ qua Fed, bởi mỗi khi tổ chức này điều hành tăng, giảm lãi suất là các nền kinh tế trên thế giới đều bị tác động. Sau này, Mỹ rút khỏi TPP và đến CPTPP thì vấn đề này không còn được đặt ra nữa.
Nói tóm lại, theo góc nhìn của tôi thì cáo buộc này nhắm vào Việt Nam nhưng ẩn ý đằng sau nó thì có rất nhiều.
- Dẫu vậy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã bắt đầu gánh chịu những hậu quả của việc tăng thuế từ phía Mỹ!
Đúng vậy. Bây giờ các doanh nghiệp đang hứng chịu những đòn tăng thuế. Nhưng, có lẽ là chỉ một thời gian thôi. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên điều hành thì sẽ có cái nhìn khác và hành động khác, cân bằng hơn dựa trên những lý lẽ thực tế.
Thêm một điều nữa là chính người Mỹ tại Việt Nam là Amcham cũng nói thẳng là Việt Nam không thao túng tiền tệ. Và tiếng nói này, tôi tin là sẽ được chính quyền Mỹ lắng nghe.
- Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang lo lắng. Có doanh nghiệp chia sẻ, đối tác của họ đề nghị họ chuyển cơ sở sản xuất sang một nước khác, chẳng hạn như Campuchia để tránh bị đánh thuế. Bà có khuyến nghị như thế nào với doanh nghiệp lúc này?
Chuyện chuyển cơ sở sản xuất đi sang một nước khác là một việc chắc chắn không hề dễ dàng. Tôi mong muốn các doanh nghiệp phát triển vững mạnh tại Việt Nam, tạo việc làm cho người lao động.
Tôi nghĩ, các doanh nghiệp hãy cố gắng cùng Chính phủ giảm gia công, liên kết phát triển công nghiệp phụ trợ với những nhà đầu tư nước ngoài thực tâm chuyển giao công nghệ để trở thành một cứ điểm sản xuất mang lợi ích cho cả hai bên.
Lúc này, các doanh nghiệp nên bình tĩnh và tính đến đường dài là tự cường trên đất nước của chính mình, làm những sản phẩm, dịch vụ tốt cho thị trường nội địa, vốn lâu nay đang bị buông lơi và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khai thác. Ở những cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới trước đây, khi thị trường xuất khẩu bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp cũng đã quay lại và thành công.
Xem thêm: lmth.hnit-hnib-nen-peihgn-hnaod-nal-ihc-mahp-aig-neyuhc/760213/nv.semitnogiaseht.www