TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa nguyên đơn là ông TXL và bị đơn là bà NTHN.
HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện, giao cháu bé cho ông L. trực tiếp nuôi dưỡng.
“Cháu nói muốn ở với cha”
Theo hồ sơ, ông L. và bà N. là vợ chồng có đăng ký kết hôn và có con chung là cháu TGH (sinh ngày 9-1-2007). Quá trình chung sống, cả hai nảy sinh nhiều mâu thuẫn và đã ly hôn. Theo thỏa thuận, bà N. sẽ trực tiếp nuôi dưỡng cháu H. Ông L. có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu H. 3 triệu đồng/tháng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Bị đơn tại tòa. Ảnh: MV
Đến ngày 29-9, ông L. khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên buộc bà N. phải giao con cho ông trực tiếp nuôi dưỡng.
Lý do là bà N. không còn đủ điều kiện để chăm sóc tốt cho cháu H. Cụ thể, ông L. cho rằng bà N. thường hay la mắng, vắng nhà, để cháu H. ở nhà một mình. Đồng thời, bà N. có nhiều mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến việc nuôi dạy cháu bé.
Tại tòa, phía nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, cho rằng sự chăm sóc của mẹ dành cho cháu H. là không đầy đủ, cháu học hành sa sút, không dám xin tiền mẹ để mua dụng cụ học tập vì sợ bị la mắng.
Ông L. cũng cho rằng mình có điều kiện tốt hơn để nuôi con, chỗ ở ổn định, đang kinh doanh một quán cơm thu nhập 15-18 triệu đồng/tháng.
Đáng nói là lý do quan trọng khiến ông muốn trực tiếp nuôi dưỡng con là vì cháu nói muốn ở với cha. Theo ông, con gái nói với cha rằng việc học rất căng thẳng nhưng về nhà lại thường xuyên bị mẹ la mắng, cằn nhằn…
Không giao con vì sợ chiếm đoạt tài sản
Tuy nhiên, bị đơn không chấp nhận yêu cầu trên. Luật sư của bị đơn cho rằng cháu H. vẫn đi học bình thường, mẹ cháu vẫn đưa đón đúng giờ, cháu muốn ăn uống hay mua sắm gì mẹ cũng đáp ứng. Trong khi đó, dù mới ly hôn được năm tháng nhưng ông L. đã không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con ba tháng.
Bà N. trình bày làm giúp việc cho một gia đình đã nhiều năm, có chế độ tiền lương, thưởng đầy đủ. Bản thân bà là mẹ, có thể chăm sóc tốt cho con. Đồng thời, bà cũng đưa ra khoản tiền 1 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm để đảm bảo mình có thể cho con đi học ở những cấp cao hơn.
Tại tòa, HĐXX đề cập đến việc cháu bé mong muốn được ở với cha thể hiện trong văn bản gửi tòa của cháu. Bà N. cho rằng đó là vì cháu bị cha dụ dỗ. Việc ông L. đến thăm con, bà N. không hề ngăn cản. “Ông L. muốn đưa con đi ăn, đi chơi ở đâu, tôi cũng đồng ý vì đó là hạnh phúc của con” - bà N. nói. Bà N. cho biết có hỏi con về việc muốn ở với cha nhưng con không trả lời.
Đáng nói là bà N. cho rằng việc ông L. muốn giành quyền trực tiếp nuôi con là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, vì một nửa căn nhà là tài sản chung bà N. đã cho cháu H. Bà không đồng ý để ông L. trực tiếp nuôi con vì ông L. có tính dối trá.
Tòa căn cứ vào nguyện vọng đứa con
HĐXX nhận định cháu bé năm nay đã 14 tuổi, tuy chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng đã đủ nhận thức, có thể cảm nhận được tình thương của cha mẹ. Cháu bé có thể nhận thức được việc ở với cha hay mẹ thì có thể phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Cháu đã có văn bản gửi đến tòa thể hiện việc muốn ở với cha.
HĐXX cũng đưa ra căn cứ pháp lý để áp dụng là quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ bảy tuổi trở lên”.
Về phía ông L. cũng có nguyện vong nuôi con. Hiện tại ông L. có chỗ ở hợp pháp, kinh doanh quán cơm, có ô tô riêng sử dụng để kiếm thêm thu nhập, đủ điều kiện để chăm sóc con.
Trong khi bà N. không có công việc ổn định, không thể đảm bảo cuộc sống về sau cho cháu bé. Từ đó, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.