Thành phố Thủ Đức sẽ đầu tư những gì sau khi được thành lập?
Lê Anh - Thành Hoa
(TBKTSG Online) - Sáng 31-12-2020, TPHCM đã chính thức công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Ngay sau khi công bố thành lập, Thành phố Thủ Đức sẽ đầu tư nhiều hạng mục quan trọng cả về hạ tầng đô thị, hạ tầng viễn thông và hạ tầng xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (đứng giữa) trao Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức cho lãnh đạo TPHCM. Ảnh: Thành Hoa |
Đầu tư mạnh cho hạ tầng
Ngay sau khi công bố thành lập, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã công bố kế hoạch đầu tư các dự án tại Thành phố Thủ Đức.
Đối với hạ tầng đô thị, trước mắt sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể thành phố Thủ Đức, trong đó chú trọng quy hoạch các cực tăng trưởng trọng yếu. Đồng thời, lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm. Ngoài ra, sẽ tập trung triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm để thay đổi nhanh chóng diện mạo thành phố Thủ Đức.
Đối với hạ tầng giao thông, sẽ nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Trước mắt, nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) trong khu vực phía Đông, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành. Nâng cao tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực từ 10% lên 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Phát triển mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, buýt đường sông) để kết nối với mạng lưới sông lớn trên địa bàn TPHCM.
Về hạ tầng, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hiện hữu của thành phố Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025 gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; cải tạo rạch Bình Thái, phường Trường Thọ; công trình chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi; xây dựng hoàn chỉnh và vận hành 03 cống ngăn triều kết hợp trạm bơm của dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm.
Nâng cấp mở rộng các tuyến đường gồm đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, quốc lộ 13 cũ; mở rộng đường Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp; nâng cấp, cải tạo đường Tô Ngọc Vân (từ vòng xoay chợ Thủ Đức đến đường Phạm Văn Đồng); nâng cấp đường Lương Định Của; xây dựng tuyến vành đai 2, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, Quốc lộ 1.
Đối với các quỹ đất công viên cây xanh, lập kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh. Tăng cường mảng xanh (khoảng 1 triệu cây xanh) tại các công viên, các tuyến đường để thành phố Thủ Đức có thể trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh của TPHCM.
Các vị lãnh đạo Chính phủ và UBND TPHCM trong buổi lễ công bố việc thành lập thành phố Thủ Đức bên sa bàn mô hình Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Thành Hoa |
Đối với hạ tầng số và chuyển đổi số, nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử. Xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho thành phố Thủ Đức.
Để đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức, ngày 31-12-2020 Tập đoàn Viettel, cùng với Tập đoàn VNPT, Mobifone đã triển khai thử nghiệm mạng viễn thông 5G trên địa bàn thành phố Thủ Đức để đáp ứng tiêu chí của một đô thị hiện đại, thông minh và tương tác cao của TPHCM.
Chuyển đổi giấy tờ miễn phí cho người dân
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trước mắt ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập Thành phố Thủ Đức. Theo kế hoạch ngày 7-2-2021, bộ máy của thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập.
Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích của ba quận gồm Quận 2; Quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố mới sẽ có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và 1.013.795 cư dân. Các đơn vị hành chính cấp xã, phường sẽ được xếp lại với 34 phương. Trong đó, nhập hai phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường An Khánh với 3,92 km2 diện tích tự nhiên và 23.154 dân. Từ ngày 1-1-2021, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 05 huyện và 01 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 05 thị trấn. |
Ông Phong cho biết, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính sẽ được chuyển đổi miễn phí do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, trước mắt, sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, chủ tịch Thành phố Thủ Đức để tạo tính đột phá, tạo hiệu quả trong hoạt động quản lý nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Việc thành lập Thành phố Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước. Đây là động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mời xem thêm:
Chính thức công bố thành lập Thành phố Thủ Đức vào 31-12-2020
Xem thêm: lmth.pal-hnaht-coud-ihk-uas-ig-gnuhn-ut-uad-es-cud-uht-ohp-hnaht/482213/nv.semitnogiaseht.coaid