Theo Bộ Công Thương, từ 23 giờ đêm 31.12.2020, Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA) có hiệu lực thi hành. Đây được coi là Hiệp định Thương mại tạo “cú hích” hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu (XK) các mặt hàng của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có ưu thế như: Gạo, trái cây, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ nội thất...
Cơ hội cho nông sản Việt vào thị trường cao cấp
Theo Bộ Công Thương, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Châu Âu (EU). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỉ USD, trong đó XK đạt 5,8 tỉ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%). Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là: Điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, càphê, hạt tiêu. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Anh gồm: Máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất.
“Như vậy, mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Anh là thị trường tiềm năng bởi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vùng nhiệt đới khá lớn, trong đó là các mặt hàng càphê, hồ tiêu, chè… Khi UKVFTA có hiệu lực thi hành, sẽ mở đầu giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Hiệp định UKFTA dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã cam kết, nên ngành nông, lâm, thủy sản XK của Việt Nam sẽ có cơ hội lớn tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này. Việc thực thi cam kết cắt giảm thuế quan của các nước có thể giúp đẩy mạnh XK các sản phẩm nông sản chủ lực và có lợi thế của Việt Nam như: Rau quả, thủy sản, càphê, tiêu, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, caosu và sản phẩm caosu…
Là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản cao cấp sang EU, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An - nhấn mạnh: UKFTA lợi thế cũng tương đối giống như EVFTA, hàng hóa của Việt Nam khi vào thị trường này có cơ hội rất tốt, nhất là hàng hóa nông sản không bị cạnh tranh trực tiếp với đối tác vì Việt Nam có thế mạnh là nông sản miền nhiệt đới còn Anh là hàng ôn đới, có khi hàng hóa hai bên còn bổ trợ cho nhau.
Nâng cao chất lượng hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm XK Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (2019) của Anh.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam làm một trong những nước XK gạo hàng đầu thế giới nhưng XK gạo của VN sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với 0,2% và chỉ đứng thứ 22 trong các nhà XK gạo lớn nhất vào Anh. Trong năm 2019, XK gạo từ Việt Nam sang Anh đã có bước nhảy vọt với mức tăng trưởng kim ngạch lên đến 376%. Anh là thị trường XK gạo rất tiềm năng cho Việt Nam.
Về phía Việt Nam, đây là động lực quan trọng thúc đẩy việc cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đích, cụ thể là thị trường Anh - quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm cao. Chất lượng đầu ra được cải thiện không chỉ giúp đẩy mạnh XK sản phẩm này sang Anh mà còn đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khác.
Xem thêm: odl.917668-man-teiv-auc-nas-gnon-ohc-iom-ioh-oc/et-hnik/nv.gnodoal