Theo số liệu mới nhất, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng và tăng mạnh hơn so với 11 tháng năm 2020.
Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 202,4 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ, chiếm 72,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 200,8 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 71,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2020.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 167,8 tỷ USD, tăng 12,3% so cùng kỳ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong năm 2020, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 34,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 15,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp xuất siêu gần 19 tỷ USD.
Trước đó, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI là 179,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu 144,6 tỷ USD không bao gồm dầu thô, xuất siêu 34,6 tỷ USD.
Việc mở cửa thương mại thông qua hàng loạt các FTA được ký kết biến Việt Nam trở thành cái rốn thu hút vốn FDI trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu của FDI được giới chuyên môn đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Điều lo lắng nhất theo chuyên gia kinh tế kỳ cựu - bà Phạm Chi Lan, đó là vấn đề thị trường. Việt Nam mở rộng quá nhiều các FTA với bên ngoài nhưng quên việc bảo vệ thị trường trong nước.
Bà Lan nói, phải biết xấu hổ vì phần lớn xuất khẩu là nhà đầu tư nước ngoài làm. Các nhà đầu tư nước ngoài trở thành khối xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm tới 70% thành tích xuất khẩu. Tức là 18 nghìn nhà đầu tư nước ngoài họ làm ra 70% xuất khẩu, còn lại 90 triệu dân Việt Nam chỉ có 30% trong xuất khẩu. Ngoài nhân tố xuất khẩu, nghịch lý ở chỗ chúng ta đang trói doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Gần đây trong một cuộc hội thảo về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI là điều rất khó chấp nhận, và nếu muốn tạo ra nội lực thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay.
Những lo ngại của giới chuyên môn là chính đáng khi mà doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu mà chỉ là nơi gia công. Điều này sẽ khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng từ những cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, khi chu kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp qua đi, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc đến quyết định dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam và sang một nước thứ ba bởi lợi thế lao động giá rẻ.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài nói rằng, không có quốc gia nào phát triển được nếu chỉ trông vào đầu tư nước ngoài. Chúng ta có nhiều sản phẩm "make in Việt Nam" nhưng chủ yếu nước ngoài làm hết. Nếu cứ trông cậy vào đầu tư nước ngoài mà không tự phát triển, không tự lực, mãi mãi đi theo họ sẽ rơi vào thế khó. Do đó, phải lớn mạnh hơn bằng cách xây dựng thương hiệu mạnh hơn về công nghiệp cho riêng mình.
“Các doanh nghiệp nội phải liên kết với nhau, kết nối với nhà sản xuất và người tiêu dùng để cùng vực dậy nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa thúc giục.
Bên cạnh đó, phải khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao, để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước của Việt Nam. Việt Nam thu hút vốn FDI phải áp dụng theo phương pháp "may đo" phù hợp. Tức là đưa ra những ưu đãi về thuế, cơ chế, đổi lại yêu cầu rõ ràng phải có tác động, lan toả đến doanh nghiệp trong nước về chuyển giao công nghệ…
Xem thêm: mth.29664234103210202-na-meit-or-iur-gnuhn-av-idf-iohk-auc-uahk-taux-oav-couht-uhp/nv.ymonocenv