Minh họa của Hãng Reuters về việc các hãng bay ngại bay đến Mỹ vì sóng 5G C-band - Ảnh: REUTERS
Đầu tuần này, giám đốc điều hành (CEO) của các hãng bay lớn tại Mỹ đã cùng ký thư ngỏ, khẩn thiết kêu gọi chính quyền hoãn kế hoạch khai thác mạng 5G C-band của hai công ty nói trên ở gần sân bay. Lá thư còn cảnh báo nếu trạm thu phát sóng 5G C-band hoạt động, một lượng đáng kể máy bay thân rộng sẽ phải nằm đất vì cao độ kế của máy bay bị sóng không dây ảnh hưởng.
Do máy bay hay do sóng?
Lá thư còn cảnh báo nguy cơ "hàng chục nghìn người Mỹ có thể bị mắc kẹt ở nước ngoài" và gây hỗn loạn các sân bay do máy bay không thể khai thác. Hiện vẫn chưa có thống kê bao nhiêu người bị ảnh hưởng, song những điều giới hàng không Mỹ cảnh báo đã thành sự thật một phần nào đó.
Một loạt hãng bay lớn, trong đó có Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hay All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản đã hủy chuyến tới các sân bay được cho là bị ảnh hưởng sóng 5G C-band.
ANA đổi máy bay Boeing 777 sang dòng khác, trong khi JAL chờ Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra tuyên bố chính thức liệu dòng máy bay này có thể bay và hạ cánh an toàn ở Mỹ hay không. Không chỉ các hãng bay chở khách, những hãng chuyên vận tải hàng hóa cũng tạm ngưng để chờ động thái từ Mỹ.
Hãng tin Reuters tiết lộ dòng Airbus A380 hoặc A350 đã được một số hãng bay dùng thay thế cho Boeing 777. Điều này làm dấy lên câu hỏi phải chăng sóng 5G C-band chỉ ảnh hưởng đến dòng máy bay này và các hãng chỉ cần dùng máy bay khác thì "cả làng đều vui"?
Thật ra sóng 5G C-band mà AT&T và Verizon đã bỏ ra hàng chục tỉ USD để đấu giá khai thác chỉ có thể ảnh hưởng đến các thiết bị đo độ cao, thiết bị đọc được chính xác khoảng cách giữa máy bay và mặt đất trong lúc hạ cánh, giúp phi công điều khiển máy bay an toàn và chính xác hơn, tránh các luồng gió đứt nguy hiểm gần mặt đất.
Thiết bị đo độ cao hoạt động trong dải tần 4,2 - 4,4 GHz và điều đáng lo ngại là các tần số 5G được đấu giá nằm quá gần dải tần này. Chính vì thế, trước thông tin thiết bị đo độ cao có thể bị nhiễu, các hãng bay quyết định dừng khai thác một số dòng Boeing để chuyển sang Airbus. Các cảnh báo từ chính FAA về việc cần "thận trọng" khi khai thác Boeing 787 và 777 càng khiến các hãng thêm lo lắng. Chỉ tính riêng trong ngày 17-1, ít nhất 1.100 chuyến bay đã bị hủy vì cảnh báo của FAA, theo Reuters.
Nhà mạng nắm đằng chuôi
Trong thông cáo cuối ngày 18-1, AT&T và Verizon tỏ ra nhượng bộ khi tuyên bố sẽ hoãn triển khai trạm thu phát sóng 5G C-band tại một số sân bay "chính" nhưng chưa nói rõ là sân bay nào và trong bao lâu. Cho rằng hàng chục nước đã làm việc này rồi, hai nhà mạng đề xuất giảm công suất của các trạm thu phát như Pháp đang làm ở gần sân bay.
Ủy ban Truyền thông liên bang, cơ quan quản lý viễn thông ở Mỹ, khẳng định sóng 5G C-band an toàn để triển khai gần sân bay. Tuy nhiên Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg và người đứng đầu FAA không nghĩ vậy nên đã yêu cầu hai nhà mạng ngừng kích hoạt 5G C-band gần một số sân bay trong lúc FAA xem xét vấn đề.
"Các định luật vật lý ở Mỹ và Pháp không hề khác nhau. Nếu các hãng bay Mỹ đã khai thác những chuyến bay hằng ngày ở Pháp thì trong điều kiện tương tự, họ cũng có thể làm điều đó tại Mỹ", hai CEO của AT&T và Verizon lập luận trong thư gửi Bộ trưởng Buttigieg. Thực tế lo lắng của các hãng bay là có cơ sở. Dù 5G đã được triển khai ở nhiều nước, dải tần này chủ yếu dao động từ 3,4 - 3,8GHz, cách xa dải tần hoạt động của thiết bị đo độ cao trên máy bay.
Trong thỏa thuận vào đầu tháng 1 để AT&T và Verizon đồng ý hoãn triển khai 5G C-band đến ngày 19-1, FAA cam kết sẽ không yêu cầu họ trì hoãn thêm lần nào nữa. Các hãng bay có quyền soạn ra và gửi tới hai nhà mạng danh sách các sân bay họ lo sẽ bị sóng 5G C-band ảnh hưởng và cần hạn chế triển khai đến ngày 5-7-2022. Tuy nhiên theo thỏa thuận với FAA, hai nhà mạng có toàn quyền quyết định việc cần thay đổi gì theo đề xuất của các hãng bay hay không.
210.000
Đó là số chuyến bay đến và đi từ các sân bay Mỹ sử dụng máy bay thân rộng Boeing 777 trong năm 2021. Đây là máy bay được khai thác nhiều thứ hai trong không phận Mỹ, chỉ sau dòng Boeing 767, theo dữ liệu từ trang FlightRadar24.
Trong thông báo ngày
18-1, FAA xác định các dòng Boeing 737, 747, 757 và 767 cũng như một số dòng Airbus A310, A319, A320, A321, A330 và A350 có thể hạ cánh an toàn tại các sân bay có sóng 5G C-band trong điều kiện tầm nhìn kém nhờ thiết bị đo độ cao hoạt động chính xác.
TTO - Nhiều hãng hàng không quốc tế lớn đã vội vã điều chỉnh hoặc hủy các chuyến bay đến Mỹ trước khi sóng 5G băng tần C (C-band) từ các trạm thu phát gần sân bay Mỹ hoạt động. Lý do là sóng 5G có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của máy bay chở khách.
Xem thêm: mth.69115802291102202-g5-gnos-iv-ym-en-yab-gnah-cac/nv.ertiout