Ngày 13-1, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết nguyên nhân những vụ xung đột trên Biển Tây những ngày qua là do các đối tượng tranh chấp ngư trường.
13 vụ tàu cá bị tấn công trên ngư trường
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúc nào lực lượng chấp pháp, tuần tra, kiểm soát nhiều trên biển thì các đối tượng ít manh động hơn.
"Những khi thời tiết phức tạp, biển động, ít sự hiện diện của ngành chức năng thì vấn đề trên sẽ phức tạp hơn", lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, khoảng hai tháng nay đã xảy ra 13 vụ tàu cá bị tấn công trên biển. Các vụ việc không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn gây thương tích cho nhiều ngư dân.
Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc trên là do tranh chấp quyền lợi giữa tàu làm nghề lưới kéo và nghề ốc bẫy mực (thông thường tàu lưới kéo sẽ làm hư hỏng ốc bẫy mực).
Một nguyên nhân khác cũng làm cho ngư trường Biển Tây "nóng" lên chính là tình trạng các đối tượng trang bị vỏ lãi chạy tốc độ cao đi trộm cắp ốc bẫy mực.
Qua nắm thông tin từ người dân, ngành chức năng xác định có phát sinh thỏa thuận giữa nhóm tàu lưới kéo với nhóm ốc bẫy mực, dẫn đến dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép (nhóm tàu ốc bẫy mực chiếm ngư trường và sau đó cho nhóm ghe lưới kéo vào khai thác và thu tiền).
Trong quá trình chiếm ngư trường trái phép, các tàu cùng làm nghề ốc bẫy mực mâu thuẫn với nhau. Từ đó, xuất hiện nhiều nhóm người dùng hung khí để tranh giành ngư trường.
Khởi tố vụ án, mời nhiều đối tượng làm việc
Ông Trương Hoài Phong - một ngư dân ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - bức xúc cho rằng vấn đề xung đột, đâm va tàu cá của nhau đã xảy ra nhiều tháng nay, các đối tượng thường đi theo nhóm hàng chục người vào ban đêm để đe dọa.
"Họ ném bom xăng, bắn đá, chai bia vào các tàu để gây sát thương. Tôi đã có trình báo ngành chức năng nhưng vụ việc chưa được giải quyết triệt để. Từ việc giải quyết không dứt điểm nên các đối tượng ngày càng hung hãn, xem thường pháp luật.
Cụ thể, lần cuối là các đối tượng bịt mặt, ném bom xăng đốt luôn ghe do tôi làm tài công. May mắn 5 người trên ghe thoát được nạn, tài sản thiệt hại hơn 2,7 tỉ đồng", ông Phong kể lại,
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã chỉ đạo thành lập ban chuyên án để điều tra, xử lý và quyết tâm đưa các đối tượng ra trước pháp luật.
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng còn lại, tránh để sót lọt các đối tượng vi phạm, phải xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất.
Đến nay, công an đã xác định được phần lớn các đối tượng có tham gia trong các vụ xung đột, vi phạm. Đã khởi tố một vụ án, 5 bị can và mời nhiều đối tượng liên quan lên làm việc.
Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển (biên phòng, cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư…) tổ chức phối hợp cùng tỉnh tăng cường tuần tra, nhất là khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường để kịp thời phát hiện xử lý.
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương các tàu cá có chiều dài 15m trở lên hoạt động nghề bẫy ốc mực và các tàu có ngư cụ bẫy cố định, khai thác theo mùa vụ, ít tác hại nguồn lợi thủy sản được phép khai thác ở vùng ven bờ, vùng lộng.
Liên quan đến các vụ tranh chấp ngư trường ở Cà Mau xảy ra trong thời gian gần đây, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành văn bản đề nghị các ngành liên quan khẩn trương điều tra, khắc phục.