Các công nhân được thưởng thức những tô phở ngon nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN
Buổi tiệc ấm áp trong hội trường nhỏ, có phở, có nem, có sắc đỏ vàng của mai, đào cùng những bản nhạc xuân rộn ràng những ngày giáp tết.
Những thức quà đặc biệt
Một công nhân rơm rớm nước mắt khi xem video về câu chuyện nghề - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bên ngoài khu bếp, 9 cao thủ nấu phở đoạt giải Hoa Hồi Vàng (giải Đi tìm người nấu phở ngon do Báo Tuổi Trẻ tổ chức) đang chuẩn bị nguyên liệu để phục vụ những tô phở thật đặc biệt tới các công nhân.
Buổi tiệc còn có 1.000 suất nem (chả giò) ngon đặc biệt do chính tay Nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết cùng con gái vào bếp chuẩn bị. Nghệ nhân Ánh Tuyết được tôn vinh là nghệ nhân nấu ăn hàng đầu Việt Nam, "cuốn sách sống" về nghệ thuật ẩm thực Hà Nội, lưu giữ những tinh hoa của ẩm thực Hà thành. Chính bà là người xây dựng thực đơn và chuẩn bị tiệc trong hội nghị APEC 2017.
Nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết mang đến chương trình 1.000 suất nem - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Biết đến Báo Tuổi Trẻ là cái duyên của tôi, thông qua chương trình tôi muốn gửi một chút công sức bé nhỏ tới anh chị em công nhân môi trường. Tôi rất ngưỡng mộ và cảm phục sự hi sinh của họ để thành phố và mọi người đón xuân trong tươi mới, sạch hơn." - bà Tuyết chia sẻ.
Nhà báo Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông Báo Tuổi Trẻ - cho biết dù bận rộn nhưng bà Tuyết vẫn sắp xếp để vào tận bếp làm 1.000 chiếc nem. Ngay cả nước chấm cũng chính tay bà cùng con gái pha chế để hương vị đậm đà, đúng vị nhất.
"Mỗi năm chúng tôi mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho anh chị em công nhân cùng con cái. Vừa qua nghe thông tin dù trong cái rét cắt da cắt thịt, anh chị em công nhân môi trường tại Hà Nội vẫn miệt mài làm sạch đường phố cống rãnh mà thật xót. Chúng tôi sẽ cố gắng đem ngày hội này đến với gia đình công nhân ngành môi trường tại Hà Nội vào cái Tết tới", - ông Thọ nói.
Ông Phạm Việt Anh - phó ban truyền thông Tổng công ty Điện lực TP.HCM - trao quà cho các em nhỏ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đêm giao thừa nghe tiếng chổi, con nhớ ba
Dẫn đứa con gái nhỏ lớp 4 đến tham gia chương trình, anh Lâm Ngọc Trung (44 tuổi) tâm sự, 8 năm gắn bó với nghề quét rác, anh cảm thấy khá buồn khi "nhiều người còn xem thường công việc này, vẫn vô tư xả rác vào ngày lễ, tết". Anh Trung nói hầu như năm nào cũng đón giao thừa, ăn Tết ngoài đường với rác.
"Ngày thường đã cực, những ngày cận Tết càng cực hơn vì người đi chơi, lượng rác tăng gấp mấy lần ngày thường. Biết đây là công việc mình phải làm, làm nhiều năm riết cũng quen nhưng nhìn người ta sum vầy mình cũng tủi thân. Nhưng nếu cứ buồn sẽ không làm được nghề này", anh Trung cho biết.
Hai đội thi nhận quà từ ban tổ chức, từ khóa phần thi là "Rác thải nhựa", vấn nạn của môi trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những năm anh bận đi làm, chuyện đón giao thừa ở nhà đành nhờ vợ một tay lo tươm tất. Hai đứa con của anh cũng hiểu chuyện nên không đòi bố, ngoan ngoãn ở nhà đợi bố về. "Tôi vẫn mong có ngày bớt rác, để tụi tôi về đón giao thừa với gia đình", anh Trung nói, xoa đầu đứa con gái nhỏ ngồi kế bên. Đứa bé cũng thỏ thẻ, tối giao thừa nghe tiếng chổi quét con thấy nhớ ba lắm…
Còn với chị Phan Thị Thanh Hoa (49 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng đầy những nỗi niềm. Công việc của chị Hoa là trồng và chăm sóc cây xanh trong thành phố. Chị nói nghe qua tưởng đơn giản nhưng thật sự lắm cực nhọc, hiểm nguy, nhất là với phụ nữ.
"Ở đây chỉ có mình tôi là nữ biết trèo vì là dân miền Tây mà. Làm cái này nhiều khi phải leo lên cây lớn, cắt tỉa từng nhánh. Có thắt dây an toàn nhưng cũng nguy hiểm, ban đầu tôi cũng sợ nhưng làm quen rồi nên không sao", chị Hoa nói về công việc lắm khó khăn.
Thấy vất vả, nhọc nhằn, đứa con trai lớp 7 của chị vừa đi học vừa làm việc nhà phụ mẹ, hôm nào không đi học, em sẽ theo mẹ đến chỗ làm. Bé Phong Đạt, con trai chị Hoa, học rất giỏi, em đang chuẩn bị bước vào cuộc thi Olympic ở trường. Phong Đạt chia sẻ: "Con thương mẹ lắm. Con sẽ cố gắng học giỏi để lớn lên đi làm cho mẹ đỡ vất vả hơn".
Bà Nguyễn Thị Hương - ủy viên Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ - trao quà cho các em - Ảnh: DUYÊN PHAN
Lắng nghe tâm tình anh chị em công nhân, bà Nguyễn Thị Hương - ủy viên Ban biên tập Báo Tuổi Trẻ - chia sẻ năm 2020 biến động với dịch bệnh cùng bão lũ dồn dập. Thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của anh chị em công nhân và người làm báo rất thấu hiểu sự biến động này.
"Để đồng hành cũng xã hội, Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức trao nhiều học bổng chia sẻ, hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và hôm nay chúng tôi rất vui khi được tổ chức chương trình vui xuân cùng anh chị em công nhân môi trường.
Thông qua những món quà nhỏ mong được chia sẻ đời sống với anh chị em, động viên các cháu học tập để trở thành công dân có ích cho xã hội. Mong một năm mới thật đủ đầy, sung túc, an vui đến mọi người", bà Hương gửi lời chúc.
Một bé trai cười tươi khi tham gia trò chơi trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN
100 gia đình công nhân tham dự buổi tất niên đầm ấm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ca sĩ Hoàng Luân mang đến ca khúc rộn ràng về mùa xuân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chương trình Vui xuân cùng gia đình công nhân môi trường đô thị do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với công ty Môi trường Đô thị TP.HCM, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, Công ty Cổ phần Bột giặt LIX, Công ty Acecook Việt Nam,Công ty Bình Hiệp Phú tổ chức.
Các nhà tài trợ đã tận tay trao những suất quà tặng ý nghĩa đến gia đình, con em công nhân môi trường đô thị. Nhiều sản phẩm như laptop, ba lô, điện thoại, sữa, võng xếp Duy Lợi cùng tiền đã được trao tận tay gia đình các công nhân.
Rất nhiều anh chị em nghệ sĩ như nhạc sĩ Hoàng Luân, ca sĩ Lê Thu Hiền, á hậu Phương Anh cũng đã đến góp vui cùng gia đình công nhân.
Ông Phan Hồng Thái - phó giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị - chia sẻ những món quà nhỏ nhưng là tấm lòng và sự tri ân của xã hội đối với anh chị em công nhân. Ông mong anh chị em vượt qua những khó khăn biến vất vả thành sự tự hào, trách nhiệm để đồng hành, xây dựng TP.HCM xanh, đẹp, văn minh. Ông Thái gửi lời cảm ơn đến sự hi sinh của anh chị em ngành môi trường.
Còn ông Ngô Quốc Bảo - giám đốc phát triển kinh doanh và marketing của FPT - cho biết năm 2020 là một năm đầy khó khăn với tất cả mọi người, trong đó có FPT. Nhưng với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta cũng như ý thức vì cộng đồng, ban lãnh đạo công ty quyết định san sẻ, hỗ trợ một phần cho gia đình công nhân khó khăn có một cái Tết yên vui, hạnh phúc.
TTO - Chiều 11-1, 40 gia đình công nhân vệ sinh đã có mặt ở một hội trường nhỏ dự buổi lễ tất niên đặc biệt mà với nhiều người cũng là lần đầu tiên trong đời: ăn phở của người nấu phở ngon nhất năm 2019 và nhận gạo ngon nhất thế giới ST25 về ăn tết.