Ngân hàng báo lãi lớn bất chấp năm Covid!
Đăng Linh
(TBKTSG) - Sau chín tháng đầu năm 2020 tăng trưởng chậm do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận nhiều ngân hàng đã phục hồi trở lại trong ba tháng cuối năm nhờ biên lãi ròng (NIM) cải thiện, tín dụng bứt phá. Bên cạnh đó, tình hình nợ xấu cũng có sự chuyển biến tích cực rõ rệt so với thời điểm cuối quí 3-2020.
Vietcombank có năm đầu tiên sau năm năm không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, nhưng vẫn là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống. Ảnh: HOÀNG TÂN |
Ngân hàng báo lãi lớn bất chấp dịch Covid-19
Trong tuần qua, một loạt ngân hàng đã lần lượt công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm 2020. Bức tranh chung là gam màu sáng bất chấp những thách thức do dịch Covid-19 mang lại.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh, Vietcombank có năm đầu tiên sau năm năm không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nhưng ngân hàng này vẫn là tổ chức tín dụng có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống với 23.068 tỉ đồng. VietinBank trở lại đường đua lợi nhuận với 16.500 tỉ đồng trong năm 2020, tăng mạnh 44% so với năm 2019. Hai ngân hàng khác gồm BIDV và Agribank, dù lợi nhuận không tăng trưởng so với năm 2019 nhưng báo cáo kết quả sơ bộ cũng vượt kế hoạch năm. Trong đó, BIDV báo lãi 9.017 tỉ đồng và Agribank báo lãi 12.869 tỉ đồng.
Còn tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn khá nhiều. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của MSB dự kiến đạt 2.500 tỉ đồng, tăng tới 94% so với năm 2019 và vượt 74% kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh cho tới hiện tại.
Hay như tại TPBank, ngân hàng này tiếp tục nâng cao kỷ lục lợi nhuận của chính mình lên mức 4.200 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2019. MBBank cho biết lợi nhuận ngân hàng năm qua đạt 10.688 tỉ đồng, tăng gần 7% so với năm 2019 và vượt 19% kế hoạch năm. VPBank cũng cán đích với 13.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26% so với năm trước đó.
Quan sát trên các báo cáo kinh doanh sơ bộ đã được công bố, có ba nguyên nhân chủ yếu giúp các ngân hàng tạo lợi nhuận lớn trong năm 2020, bao gồm: kéo giãn NIM (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí.
Ở khía cạnh tăng NIM, việc mặt bằng lãi suất giảm với xu hướng lãi cho vay giảm chậm hơn lãi huy động là nguyên nhân trực tiếp giúp các ngân hàng tăng biên lãi ròng. Bên cạnh đó, tín dụng tăng tốc mạnh trở lại trong quí 4, đưa tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong cả năm 2020 đạt mức 12,13% cũng giúp đảm bảo thu nhập từ lãi cho các ngân hàng.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các ngân hàng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu trong quí 4-2020. Đây có thể là bước chuẩn bị cho sự không chắc chắn trong dự phóng nợ xấu mới hình thành, chuyển nhóm nợ và thu hồi nợ tái cơ cấu vào năm 2021. |
Ở khía cạnh đa dạng hóa nguồn thu, trước đây tín dụng vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng khi chiếm tới 90-99% tổng doanh thu, lợi nhuận.
Nhưng việc tăng trưởng tín dụng nhanh cũng đồng nghĩa phải đối mặt với rủi ro nợ xấu lớn. Do đó, hiện nay các ngân hàng đã chủ động giảm tỷ trọng mảng cho vay xuống còn 70-80%, thậm chí có nơi chỉ còn hơn 50%. Còn lại, thu từ dịch vụ và thu nhập khác đang tăng mạnh và bắt đầu nằm trong chiến lược phát triển.
Điển hình tại Vietcombank, ngoài tín dụng tăng trưởng, ngân hàng này cũng thúc đẩy thu nhập phi tín dụng, đưa doanh thu từ mảng này chiếm 49,8% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh cả năm.
So với năm trước, chỉ tiêu này đã tăng gần 11%. Trong đó, thu thuần từ ngoại tệ đóng góp 38% số thu dịch vụ; thu từ bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) đóng góp 18%... Tương tự, đóng góp vào kết quả lợi nhuận tăng mạnh của VietinBank năm qua là khoản thu nhập ngoài lãi tăng 35%. Tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập theo đó tăng từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020.
Cuối cùng, trong năm 2020, chi phí hoạt động của các ngân hàng giảm rõ rệt, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng lợi nhuận. Đặc biệt, nhờ Thông tư 01/NHNN các ngân hàng được phép không chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như thực tế.
Nợ xấu giảm mạnh
Ngoài mức lợi nhuận tích cực, báo cáo tài chính quí 4-2020 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu giảm mạnh ba tháng cuối cùng của năm 2020. Cụ thể, tại Vietcombank, nợ xấu cuối năm 2020 chỉ ở mức 5.229 tỉ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9 và giảm 10% so với đầu năm.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này giảm mạnh từ 1,01% hồi cuối quí 3-2020 xuống còn 0,62% vào cuối năm 2020 và cũng thấp hơn so với mức 0,79% cuối năm 2019. Tương tự, VietinBank cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cuối năm 2020 giảm mạnh xuống dưới 1%, thấp hơn cả cuối năm 2019 (1,16%).
Trước đó, đến cuối tháng 9-2020, nợ xấu nội bảng của VietinBank là 17.949 tỉ đồng, tăng tới 66% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 1,87%. Nợ xấu của VPBank (ngân hàng mẹ) cũng giảm 111 tỉ đồng trong ba tháng cuối năm 2020, xuống còn 5.578 tỉ đồng. Trong năm 2020, nợ xấu của ngân hàng này chỉ tăng 7,7%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh 14,7%. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay) giảm từ 2,69% hồi đầu năm 2020 xuống còn 2,52% vào cuối năm 2020.
Không chỉ các ngân hàng lớn mà ngân hàng quy mô tầm trung như VIB, LienVietPostBank,... cũng có nợ xấu thay đổi đáng kể trong những tháng cuối năm. Nợ xấu của VIB trong ba tháng cuối năm giảm hơn 220 tỉ đồng, xuống còn 2.957 tỉ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của VIB tại ngày 31-12-2020 chỉ còn 1,74%, giảm đáng kể so với mức 2,14% hồi cuối tháng 9-2020 và cũng thấp hơn so với hồi cuối năm 2019 (1,96%). LienVietPostBank ghi nhận nợ xấu tăng khá mạnh 43% trong chín tháng đầu năm 2020, nhưng bất ngờ giảm mạnh trong quí 4. Tại ngày 31-12-2020, nợ xấu của ngân hàng này là 2.527 tỉ đồng, giảm gần 400 tỉ đồng so với cuối tháng 9, theo đó tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,83% xuống còn 1,43%.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các ngân hàng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu trong quí 4-2020. Đây có thể là bước chuẩn bị cho sự không chắc chắn trong dự phòng nợ xấu mới hình thành, chuyển nhóm nợ và thu hồi nợ tái cơ cấu vào năm 2021.
Xem thêm: lmth.divoc-man-pahc-tab-nol-ial-oab-gnah-nagn/281313/nv.semitnogiaseht.www